Trung Quốc muốn phá liên minh của Mỹ

Giới quan sát nhận định với chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Seoul, Trung Quốc muốn lôi kéo Hàn Quốc ra khỏi liên minh với Mỹ và Nhật để phá chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington.

Trung Quốc muốn phá liên minh của Mỹ
Ông Tập Cận Bình phát biểu chỉ trích Nhật tại ĐH Quốc gia Seoul - Ảnh: Reuters

Ông Tập Cận Bình phát biểu chỉ trích Nhật tại ĐH Quốc gia Seoul - Ảnh: Reuters

Trước khi ông Tập đến Seoul, giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin chính quyền Tổng thống Park Geun Hye đã bày tỏ hi vọng hai bên sẽ ra một tuyên bố mạnh mẽ nhắm vào chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và bà Park hôm 3-7, tuyên bố của hai nhà lãnh đạo chỉ có thông điệp chung chung là “cương quyết phản đối” vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Yonhap, trong bài phát biểu ở ĐH Quốc gia Seoul hôm qua, ông Tập chẳng hề nhắc gì nhiều đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thay vào đó, ông Tập khổ công kể lể những tội ác mà chế độ quân phiệt Nhật đã gây ra tại Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên ở nửa đầu thế kỷ 20. Tân Hoa xã còn đưa tin ông Tập đề xuất với bà Park rằng Trung Quốc và Hàn Quốc tổ chức chung hoạt động tưởng niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai vào năm 2015.

Quyền phòng vệ tập thể của Nhật có lợi cho Hàn Quốc

Trên báo Wall Street Journal, nhà phân tích quốc phòng Bruce Bennett của Hãng RAND Corporation cho rằng việc Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể chỉ có lợi chứ không có hại gì đối với Hàn Quốc. Bởi động thái của Nhật sẽ có lợi cho an ninh Đông Á. Trong trường hợp CHDCND Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, Mỹ sẽ phải bảo vệ nước này và điều động lực lượng cực lớn tham gia chiến tranh. Mỹ sẽ phải sử dụng các căn cứ tại Nhật để hỗ trợ chiến dịch quân sự. Quyền phòng vệ tập thể của Nhật sẽ tạo điều kiện cho Mỹ làm như vậy.

Những tuyên bố của ông Tập chắc chắn sẽ được dư luận Hàn Quốc hưởng ứng. Bởi quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, chủ yếu do vấn đề quá khứ chiến tranh và vụ tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima, hiện do Seoul kiểm soát. Cũng giống như Bắc Kinh, Seoul tỏ ra bồn chồn khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố “cách hiểu mới” hiến pháp hòa bình Nhật, tạo điều kiện cho Tokyo thực thi quyền “phòng vệ tập thể”.

Chuyên gia Frank Jannuzi, chủ tịch Tổ chức Mansfield Foundation, nhận định Trung Quốc “đánh hơi” thấy đây là một cơ hội tốt để phá vỡ thêm mối quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc. Còn báo New York Times của Mỹ dẫn lời ông Chun Yung Woo, cố vấn an ninh quốc gia của cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, như sau: “Ông Tập không muốn bỏ lỡ cơ hội đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất đồng giữa Tokyo và Seoul. Trung Quốc đang cố lôi kéo Hàn Quốc càng xa Nhật và Mỹ càng tốt”.

Seoul và Tokyo là hai đồng minh lớn nhất của Washington ở châu Á, và việc lợi dụng sự bất đồng giữa hai quốc gia này sẽ giúp Bắc Kinh chống lại chiến lược “xoay trục châu Á” của chính quyền Tổng thống Barack Obama. “Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng nước này đang tìm cách định hình lại khu vực châu Á và sẵn sàng hành động để thể hiện rằng Bắc Kinh là cường quốc tại đây” - ông Evans Revere, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, khẳng định.

Trung Quốc đã bộc lộ ý đồ lợi dụng Hàn Quốc để phá thế liên minh quân sự tại Mỹ trong khu vực từ trước chuyến đi của ông Tập. Khi đi tiền trạm đến Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã bày tỏ sự phản đối việc Mỹ muốn lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Cơ sở để Bắc Kinh tin tưởng vào chiến lược lôi kéo Seoul là quan hệ thương mại song phương 229 tỉ USD năm 2013 và đang tăng trưởng. Chính quyền Tổng thống Park cũng xem Trung Quốc là một đối tác trong nỗ lực đối phó với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Nhưng các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ không dễ thực hiện thành công chiến lược chia rẽ này. Ông Chun Yung Woo quả quyết dù Tổng thống Park có quan điểm cứng rắn với Nhật nhưng sẽ “không để Bắc Kinh dụ dỗ”, bởi Seoul không muốn trở thành con tốt trong cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Ông Revere cũng nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy Hàn Quốc và Mỹ ra xa nhau “sẽ không đi đến đâu”.

Bởi quan hệ liên minh 60 năm giữa Hàn Quốc và Mỹ vẫn là nền tảng của chiến lược quốc phòng Hàn Quốc. Hiện Mỹ triển khai 29.000 binh sĩ đóng tại Hàn Quốc và Seoul được “ô hạt nhân” của Washington bảo vệ. Ông Chung cho rằng Tổng thống Park hiểu rất rõ ý đồ thâm sâu của ông Tập cũng như tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Hàn.

Sức mạnh của dư luận cũng là một yếu tố lớn. Theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, người Hàn Quốc có cái nhìn thiện cảm hơn đối với Trung Quốc so với năm ngoái, nhưng vẫn đánh giá Mỹ là quốc gia được họ yêu chuộng nhất và là đồng minh quan trọng nhất.

Một vấn đề nữa là Hàn Quốc cũng có thể trở thành nạn nhân trong tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Năm 2012, chính quyền Tổng thống Lee Myung Bak đã phản đối dữ dội khi Tổng cục Hải dương Trung Quốc tuyên bố bãi đá ngầm Ieodo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Hàn Quốc thuộc chủ quyền của Bắc Kinh. Phía Seoul đã xây một trạm nghiên cứu hải dương trên bãi đá ngầm này. EEZ của Hàn Quốc và Trung Quốc chồng lấn, và trước năm 2012 hai nước đã đàm phán 16 vòng về vấn đề này nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Chính vì vậy, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải tốn rất nhiều công sức để chia rẽ tam giác Mỹ - Nhật - Hàn tại châu Á - Thái Bình Dương.

HIẾU TRUNG

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ