Trung Quốc: Không phân chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo giới tính

GD&TĐ - Tại Trung Quốc, từ lâu nữ giới đã bị cấm theo học tại một số trường đại học hoặc theo đuổi một số ngành nghề.

Nữ sinh Trung Quốc bị cấm theo học một số ngành như công an, quân đội.
Nữ sinh Trung Quốc bị cấm theo học một số ngành như công an, quân đội.

Để giải quyết vấn đề trên, cuối tháng 1, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường đại học không phân bố chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên giới tính.

Cụ thể, ngoại trừ một số ngành nghề như quân đội, quốc phòng, công an, các trường đại học không được quy định tỷ lệ giới tính khi tuyển sinh. Dù quy định mới được hoan nghênh, nhiều người bày tỏ thất vọng vì một số ngành học vẫn được coi là lĩnh vực dành riêng cho nam giới. Họ đánh giá hướng giải quyết của Bộ Giáo dục là cần thiết nhưng vẫn tồn đọng tư tưởng phân biệt đối xử.

Giữa cuộc tranh cãi, một nhóm vận động bình đẳng giới đã phát động chiến dịch trên mạng xã hội, gửi thư đến Ủy ban Nhân dân quốc gia (NPC), yêu cầu đưa ra đề xuất thay thế trong kỳ họp tới.

Trong thư, nhóm phân tích 18 trường trong 116 trường thành viên của Dự án 211, nhóm các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, có những ngành giới hạn chỉ tiêu hoặc cấm hoàn toàn tuyển sinh nữ. Các ngành này gồm an ninh công cộng, hàng không, hàng hải và quân đội.

Zhang, người đứng đầu nhóm vận động cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhiều chuyên ngành tuyển rất ít hoặc gần như không tuyển nữ giới dù những ngày này không yêu cầu sức mạnh thể chất. Thể chất cũng không nên cái cớ để hạn chế nữ giới”.

Theo Zhang, thay vì giới hạn một số ngành dành riêng cho nam giới, Bộ Giáo dục nên cho phép tiêu chuẩn tuyển sinh ở các ngành là như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ.

Từ năm 2019, tại các trường đại học Trung Quốc, số lượng cử nhân nữ nhiều hơn cử nhân nam. Tuy vậy, các chương trình học trong nước vẫn đặt nặng vấn đề giới tính do tính chất lĩnh vực hoặc do khuôn mẫu truyền thống. Ví dụ, những ngành liên quan đến kỹ thuật, khoa học vẫn được coi là địa hạt của nam giới trong khi các ngành về nghệ thuật, giảng dạy có tỷ lệ nữ sinh chiếm ưu thế.

Sự mất cân bằng giới tính không chỉ xuất hiện trong giáo dục mà còn ở việc làm. Dữ liệu gần đây cho thấy, lĩnh vực an ninh công cộng có rất ít vị trí tuyển dụng dành cho phụ nữ với những hạn chế phổ biến như môi trường việc làm không thích hợp, khối lượng công việc nặng, thường xuyên phải di chuyển.

Ma, nữ sinh lớp 10 tại tỉnh Cam Túc, cho biết ước mơ theo đuổi ngành tội phạm học tại Trường Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, tại thủ đô Bắc Kinh, nhưng trường tuyển sinh nam nhiều hơn nữ.

Ma cho biết: “Điểm chuẩn đối với ứng viên nam thấp hơn từ 10 – 100 điểm so với ứng viên nữ. Thậm chí, một số ngành chỉ tuyển nam giới. Nhiều nữ sinh có trình độ học tốt hơn nam sinh nhưng họ không có cơ hội phát huy khả năng”.

Trước đó, vào tháng 4/2012, Chính phủ Trung Quốc ban hành Quy định đặc biệt về Bảo hộ lao động đối với công, nhân viên nữ. Trong đó, một số công việc được xác định là không phù hợp với nữ giới nên việc tuyển sinh các ngành học có tính chất công việc tương tự thường chỉ dành cho nam giới.

Tư tưởng phân biệt giới tính vẫn tồn đọng trong các cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc. Đầu tháng 2, Bộ Giáo dục Trung Quốc vấp phải chí trích vì yêu cầu tăng cường lớp học thể chất trong trường học để xây dựng “nam tính” cho thanh thiếu niên. Bộ nhấn mạnh phải ngăn học sinh nam trở nên yếu ớt, không tán thành việc gia đình, giáo viên nuông chiều các bé trai.

Tuy nhiên, các chuyên gia về Giới tại Trung Quốc cho rằng, việc chú trọng sự nam tính gây ra bất bình đẳng giới, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ em. Thay vào đó, các nhà giáo dục nên quan tâm và nuôi dưỡng tính cách, sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Theo Sixth Tone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ