Vấn đề chuyển giao hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Polonez từ Belarus sang Nga đã gặp phải trở ngại khi cần có được sự đồng ý của Trung Quốc.
Điều này là do tổ hợp Polonez sử dụng tên lửa do Trung Quốc sản xuất, khiến việc đưa vũ khí này sang nước thứ ba mà không có sự cho phép của Bắc Kinh là không thể, tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết.
Hệ thống MLRS Polonez được Belarus phát triển với sự tham gia của các chuyên gia Trung Quốc nhập khẩu trực tiếp tên lửa dẫn đường do Bắc Kinh sản xuất.
Theo các điều khoản của thỏa thuận cấp phép, bất kỳ hợp đồng xuất khẩu nào liên quan đến tổ hợp vũ khí này đều phải có sự chấp thuận của Trung Quốc.
Chính vì vậy, mặc dù mới đây Belarus đã phải trưng dụng xe tăng, thiết giáp, pháo binh từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ trực chiến của mình để giao cho Nga, nhưng hệ thống Polonez vẫn nằm ngoài danh sách trên.
Trong khi đó, Hội đồng An ninh Belarus đã báo cáo về sự tập trung đáng kể của lực lượng quân sự Ukraine gần biên giới nước này. Theo thống kê sơ bộ, số lượng binh sĩ Kyiv ở khu vực này là khoảng 14 nghìn người.
Đại diện cơ quan chức năng Belarus lưu ý, thời gian gần đây tình hình biên giới vẫn căng thẳng và nước này tiếp tục theo dõi diễn biến ở khu vực giáp ranh giữa hai quốc gia.
Các quan chức ở Minsk nhấn mạnh rằng việc Ukraine tập trung đông quân như vậy là nguyên nhân gây lo ngại, bởi vì điều này có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Belarus.
Trong khi đó Kyiv tuyên bố họ không có kế hoạch xâm phạm chủ quyền đối với các vùng đất của Minsk, và việc triển khai nhóm tác chiến này được thực hiện với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công từ lãnh thổ Belarus như đã từng diễn ra vào đầu năm 2022.