Kế hoạch đặt ra là mỗi trường đào tạo trung bình 1.000 cầu thủ với mục tiêu cuối cùng là có 50 triệu cầu thủ giỏi. Bên cạnh đó cũng có kế hoạch thành lập 200 đội bóng cấp đại học.
Triển khai thí điểm
Trong số 3.755 trường tiểu học và trung học tham gia vào chương trình dạy bóng đá này, 80 trường thuộc địa bàn Bắc Kinh. Gần như trùng thời điểm Trung Quốc công bố kế hoạch đại quy mô nói trên, thủ đô Bắc Kinh đã “lĩnh ấn tiên phong” hiện thực hoá kế hoạch này. Quận Haidian chính thức kí kết với Tổ chức Đào tạo bóng đá trẻ mở ra một “khu vực thực nghiệm” phát triển bóng đá trẻ - mục tiêu là đưa bóng đá Trung Quốc lên hẳn một tầm cao mới trong tương lai.
Đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc chỉ mới duy nhất 1 lần lọt vào vòng chung kết World Cup và cũng phải dừng bước sớm. Tuy nhiên, hiện giờ tuyển Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ 83 trong bảng xếp hạng FIFA – dưới cả quốc đảo tí hon vùng Caribe là Antigua và Barbuda, với dân số vỏn vẹn 86.295 người – và đứng chót bảng vòng loại World Cup 2018, mặc dù đã thuê HLV tên tuổi Marcello Lippi người Italy.
Hiển nhiên là Trung Quốc đang hy vọng vào một tương lai xa hơn, khi một thế hệ ngôi sao bóng đá được đào tạo từ cấp tiểu học ngày hôm nay.
Trước khi Haidian tham gia vào kế hoạch đầy tham vọng này, Bắc Kinh cũng đã có những động thái thúc đẩy phát triển môn bóng đá. Cuối năm 2016, Bắc Kinh đã đưa bóng đá vào bài kiểm tra thể dục trong kỳ thi tuyển sinh THPT.
Theo Wang Dengfeng, phụ trách Vụ Giáo dục thể chất Bộ Giáo dục, Haidian sẽ có vai trò hình mẫu thí điểm “cách thức phát triển bóng đá trong trường học”. Wang cho biết, năm 2016, 16.000 hiệu trưởng, giáo viên thể dục, huấn luyện viên và trọng tài đã được đào tạo về bóng đá, và 115 huấn luyện viên bóng đá được tuyển vào làm trong các trường học.
Thách thức lớn
Tham vọng “xưng hùng” trên bản đồ bóng đá thế giới của Trung Quốc đang vấp phải rào cản xã hội lớn. Theo các huấn luyện viên bóng đá thì đại bộ phận phụ huynh Trung Quốc vẫn giữ quan điểm giáo dục văn hóa là số 1; và con cái phải có một công việc ổn định lâu dài để chăm sóc bố mẹ khi nghỉ hưu - khiến cho việc tuyển trạch cầu thủ chuyên nghiệp rất khó khăn.
“Thách thức lớn nhất chính là ở tư tưởng và nhận thức rằng bóng đá khiến xao lãng học tập” – Tom Byer, Cố vấn bóng đá được Bộ Giáo dục Trung Quốc thuê để xây dựng chương trình bóng đá thí điểm dành cho trẻ em, nhận xét. Byer cho biết những nghiên cứu cho thấy trẻ hoạt động thể chất học văn hoá tốt hơn nhưng thực tế nhiều phụ huynh Trung Quốc cảm thấy “vô trách nhiệm” khi để con sa đà vào bóng đá.
Trong buổi tập ở một câu lạc bộ bóng đá trẻ em tại Bắc Kinh, phụ huynh ca ngợi môn thể thao này mang lại cho những đứa trẻ 7 tuổi trải nghiệm vượt qua thách thức và thất bại. Nhưng các phụ huynh này cũng cho biết họ rất cảnh giác không để bóng đá “lấn sân” vào việc học văn hoá.
Trong khi kế hoạch của Bắc Kinh đề ra là có nhiều học sinh chơi đá bóng hơn trong trường học thì hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn trong vòng xoáy thi gaokao – kỳ thi quyết định một suất vào những trường đại học danh tiếng và cơ hội việc làm tốt.