Do đó, hàng loạt công ty dạy thêm phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt gia sư mất việc, phải chuyển nghề.
Anh Dong Yuhui trở thành trợ giảng tiếng Anh cho Công ty giáo dục tư nhân New Oriential ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Sau hai năm làm việc chăm chỉ, Yuhui trở thành trưởng nhóm nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh trẻ nhất chi nhánh của New Oriential tại thành phố Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc). 8 năm qua, chàng trai 28 tuổi đã dạy thêm cho khoảng 500.000 học sinh Trung Quốc.
Công việc của Yuhui vốn đang rất thuận lợi. Thời điểm nghỉ hè và nghỉ đông cũng là lúc các công ty dạy thêm bận rộn nhất nên trong nhiều năm, Yuhui không thể về quê thăm gia đình trong kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, New Oriential đã phải đóng cửa hơn 1.500 trung tâm dạy thêm sau chính sách “giảm kép”. Yuhui cùng nhiều đồng nghiệp rơi vào cảnh thất nghiệp, không biết phải làm gì tiếp theo.
Hầu hết đồng nghiệp của anh đã nhận trợ cấp thôi việc và rời khỏi công ty. Với nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp trước hàng nghìn học sinh, Yuhui chuyển sang bán nông sản trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Koolearn.
Tuy nhiên, việc ngồi một chỗ và nói chuyện qua màn hình khó hơn Yuhui tưởng tượng. Nhiều đêm, chàng trai mất ngủ vì nhớ lại những bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng. Anh phải học thuộc, tìm hiểu từng loại nông sản của công ty để có thể giải đáp mọi thắc mắc của người tiêu dùng.
“Dù không thể tiếp tục làm công việc yêu thích, tôi vẫn phải cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống. Tôi vẫn cảm thấy tự tin trước tương lai của mình. Bất cứ khi nào muốn từ bỏ, tôi sẽ đi bộ hoặc đọc sách để thư giãn”, Yuhui cho biết.
Theo ông Yu Minhong, Chủ tịch New Oriential, công ty đã sa thải hơn 60.000 nhân viên. Các khoản thanh toán thôi việc, hoàn học phí và chi phí thuê nhà tại các chi nhánh của công ty lên đến gần 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ USD).
Tương tự Yuhui, cuối tháng 10 vừa qua, sau 10 năm làm gia sư môn Toán tại Tập đoàn giáo dục TAL, Zhang Limei bị cho nghỉ việc vì trung tâm dạy thêm không được phép hoạt động. Chị Limei hiện ở nhà nội trợ và chăm sóc hai người con.
Theo chị Limei, TAL bắt đầu sa thải nhân viên từ cuối tháng 8 khi hoạt động dạy thêm bị siết chặt, số lượng lớp học giảm dần. Nhiều đồng nghiệp của chị chủ động xin nghỉ việc một tháng sau đó.
“Tôi rất nhớ công việc của mình, đặc biệt là những người đồng nghiệp thân thiết. Làm việc cùng mọi người giúp tôi có cảm giác như đạt được thành tựu và muốn tiếp tục phấn đấu. Bây giờ, tôi chẳng biết phải làm gì”, chị Limei nói.
Giống như Yuhui hay Limei, gia sư dạy thêm trên khắp Trung Quốc đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Chính sách “giảm kép” đã cho thấy kết quả tích cực đối với học sinh phổ thông nhưng đang tạo ra khủng hoảng việc làm cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực dạy thêm tư nhân.