Trung Quốc gần mục tiêu sinh em bé trong vũ trụ

Các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến gần mục tiêu tạo ra con người trong vũ trụ, sau khi hoàn thành thí nghiệm mang tính đột phá trên phi thuyền Shijan 10 với capsule vừa trở về Trái đất.

Trung Quốc gần mục tiêu sinh em bé trong vũ trụ
Sinh ra em bé trong vũ trụ không lãng mạn như mọi người thường nghĩ. Ảnh: Daily Mail

Khoảng 6.000 phôi thai chuột - đang ở giai đoạn đầu của quá trình thụ tinh và chỉ bao gồm 2 tế bào - đã phân chia và phát triển thành phôi nang trong vòng 3 ngày được đưa vào vũ trụ. Kết quả này được đánh giá là rất triển vọng vì tất cả nỗ lực trước đó của giới khoa học Trung Quốc và các nước khác nhằm phát triển phôi của động vật có vú trong vũ trụ đều thất bại, GS Duan Enkui, trưởng nhóm thực hiện thí nghiệm, cho biết. Ông Duan đang làm việc tại Viện Động vật học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng (thí nghiệm) sẽ cung cấp phương pháp khoa học cho các hoạt động sinh sản của con người trong vũ trụ”, báo People’s Daily (thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc) dẫn lời ông Duan.

Nhưng GS Tan Xin, một nhà sinh vật học vũ trụ đang nghiên cứu tác động của trạng thái không trọng lực lên quá trình sinh sản của động vật có vú tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, cho rằng, việc sinh em bé trong vũ trụ không lãng mạn như mọi người thường nghĩ. “Đó là vấn đề gây tranh cãi, phức tạp về khoa học, kỹ thuật và đạo đức”, ông Tan nói.

Theo nhà nghiên cứu này, lý do đầu tiên là chưa ai từng thử sinh con trong vũ trụ. Nỗ lực gần đây nhất là một thử nghiệm của Liên Xô năm 1979 để đưa 5 chuột cái và 2 chuột đực đang trong thời kỳ động dục lên quỹ đạo 2 ngày. Kết quả là thất bại hoàn toàn. Các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng mang thai hay bất kỳ dấu hiệu giao phối nào ở những con vật này. Họ nghi ngờ đàn chuột đã mất hứng thú giao phối khi bị đưa vào môi trường không trọng lực. Nhưng ông Tan cho rằng, sex không phải trở ngại lớn nhất.

Sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu trong môi trường không trọng lực mô phỏng trên mặt đất, nhóm nghiên cứu của GS Tan thấy rằng, cơ quan sinh sản của động vật bị thoái hóa hoặc tổn thương. Điều này cho thấy việc thụ thai tự nhiên trong vũ trụ có thể không diễn ra nếu không có sự can thiệp hoặc phương pháp y tế đặc biệt. “Động vật càng lớn thì vấn đề càng nghiêm trọng”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời GS Tan.

Phát hiện của GS Tan và đồng nghiệp cũng tương tự kết quả các thí nghiệm mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), rằng những chuyến bay dài trong vũ trụ có thể làm giảm số lượng tinh trùng và làm tổn thương tế bào buồng trứng ở các loài động vật gặm nhấm.

Hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Duan nói rằng, thí nghiệm của họ khó có khả năng tạo ra “chuột ngoài hành tinh” vì các phôi nang có thể đã chết trong quá trình trở về Trái đất. Dù các bức ảnh cho thấy các phôi nang chuột trông gần giống phôi nang phát triển trên mặt đất, nhưng nhóm nghiên cứu cho biết sẽ phân tích thêm các mẫu vừa được đưa về Trái đất để xác định xem chúng có bị biến đổi gì sau thời gian ở trong môi trường không trọng lực hay không.

Sinh ra trong vũ trụ, em bé có thể “hoàn hảo”

Ông Tan cho rằng, một em bé sinh ra trong vũ trụ có thể “hoàn hảo” hơn những em bé sinh ra trên Trái đất vì phôi thai được phát triển tự nhiên theo tất cả các hướng trong môi trường không trọng lực. Nhưng liệu phôi thai cuối cùng có phát triển thành một em bé phát triển đầy đủ không vẫn là điều chưa thể khẳng định chắc chắn.

“Các thí nghiệm đó có thể cung cấp gợi ý để giải quyết một số vấn đề về sức khỏe sinh sản trên Trái đất. Nhóm của ông Duan đã đạt được một bước đi quan trọng”, GS Tan nói. Học giả này cho rằng, vấn đề sinh con ngoài vũ trụ sẽ là chủ đề không thể tránh khỏi khi con người mở rộng khám phá vũ trụ và những hành tinh khác như sao Hỏa.

Capsule Shijian 10 được phóng lên từ đầu tháng này, mang theo nhiều công cụ nghiên cứu khoa học để thực hiện 20 thí nghiệm khoa học trong chuyến bay kéo dài 12 ngày, bao gồm thí nghiệm đốt cháy than trong vũ trụ. Capsule quay lại Trái đất đã đáp xuống vùng Nội Mông chiều 18/4, Xinhua đưa tin.

Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc sẽ sớm được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2020. Trạm vũ trụ này sẽ làm tăng đáng kể thời gian các nhà khoa học Trung Quốc có thể ở lại trong vũ trụ. Hiện nay, họ chỉ có thể ở lại trong không gian vài tuần hoặc vài tháng.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ