Cơ hội học tập cho cô dâu nhí
Mỗi sáng, cô Hiệu trưởng Dewi Khalifah chào đón học sinh bước qua cánh cổng trường Aqidah Usymuni. Trường học bán trú Hồi giáo này đón nhận khoảng 800 học sinh cả nam và nữ - học và sinh hoạt ở 2 khu vực riêng biệt.
Giờ học từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều, tiếp theo là học Kinh Koran vào 3 giờ chiều.
Chương trình học giống như những trường khác nhưng trường tại tỉnh Đông Java lại có sự khác biệt lớn. Đây là một trong số ít trường khuyến khích học sinh theo đuổi học vấn thay vì kết hôn trước tuổi 18 – độ tuổi mà có tới gần 70% thiếu nữ đã kết hôn, theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Rumah Kita Bersama Foundation.
Aqidah Usymuni là trường bán trú Hồi giáo duy nhất cấp học bổng cho trẻ vị thành niên đã kết hôn, vì vậy các em có thể tiếp tục học thậm chí sau khi lập gia đình.
Học bổng này tạo thuận lợi lớn cho những vợ chồng học sinh như Ahmad Dardiri và vợ
Misnama. Hai học sinh kết hôn khi một người 18 và một người 16 tuổi. Chính sách của trường cho phép cặp đôi được theo đuổi học vấn cùng nhau. Bởi theo truyền thống, nếu phải nộp học phí và trong trường hợp chỉ có khả năng chi trả cho một người là chồng hoặc vợ thì người chồng sẽ được ưu tiên.
Trường Mambaul Ulum cũng là một trường học “đặc biệt” khác. Trường này tiếp nhận không chỉ nam sinh đã kết hôn mà cả nữ sinh.
“Các em có thể học ở đây với điều kiện không mang thai. Trong trường hợp có thai, chúng tôi sẽ cho nghỉ học đến khi sinh” – Fathol Haliq, sáng lập Quỹ Mambaul Ulum cho biết.
Sau khi một nữ sinh sinh con, em đó có thể quay lại trường và học nốt chương trình tú tài – tấm bằng có thể mang lại cơ hội việc làm tốt hơn.
Nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”
Tảo hôn phổ biến ở Indonesia. Một báo cáo của chính phủ
Indonesia kết hợp với văn phòng UNICEF tại Indonesia cho thấy hơn 1/4 nữ sinh kết hôn trước tuổi thành niên. Báo cáo sử dụng dữ liệu chính phủ nhằm đánh giá sự tiến bộ ở những mục tiêu phát triển bền vững cho 84 triệu trẻ em Indonesia.
Báo cáo cho thấy, nữ sinh kết hôn trước tuổi 18 giảm cơ hội ít nhất 6 lần để hoàn thành THPT so với bạn đồng niên chưa kết hôn.
Cũng không phải không phổ biến khi những “cô dâu nhí” tại Indonesia bị phân biệt đối xử trong trường học.
Truyền thông địa phương nhiều lần đưa tin học sinh bị trường công cho nghỉ học vì kết hôn, mặc dù không có quy định nào như vậy.
Đây là vấn đề gốc rễ sâu xa từ tư tưởng bảo thủ, theo đó phụ nữ được mặc định làm việc nhà, vì vậy cấm cản các cô dâu nhí tiếp tục học tập nếu kết hôn sớm.
Theo Marcoes Natsir, Giám đốc điều hành Quỹ Rumah Kita Bersama, thực tế cho thấy một nữ sinh kết hôn trước khi hoàn thành THPT sẽ không thể hoàn thành bậc học này.
Cách đối xử này trái ngược với nam sinh trong cùng hoàn cảnh, nam sinh vẫn có thể tiếp tục học sau kết hôn.
“Thực sự rất khác nhau. Tôi sẽ thôi học sau khi học xong THPT… Tôi muốn học tiếp lên đại học nếu tôi không kết hôn. Nhưng bởi tôi kết hôn nên tôi không thể” – nữ sinh Sariyatun, 17 tuổi, chia sẻ.