Ngày 21/5, Trung Quốc đã cấm sử dụng chip Micron của Mỹ cho hạ tầng cơ sở quan trọng ở nước này. Lý do được phía Bắc Kinh đưa ra là lo ngại chip của Mỹ gây rủi ro an ninh quốc gia.
Từ tháng 3, Văn phòng Đánh giá An ninh Mạng thuộc Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) đã tiến hành cuộc điều tra về các sản phẩm của Micron. Tuy nhiên, CAC không tiết lộ thông tin về sản phẩm cụ thể nào đã được điều tra và phương pháp đánh giá sử dụng.
Theo CAC, Micron không vượt qua cuộc đánh giá về an ninh mạng, dẫn đến việc các sản phẩm của họ bị cấm bán cho các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng (CIIO) tại Trung Quốc.
Điều này áp dụng cho nhiều lĩnh vực quan trọng cho an ninh quốc gia và cuộc sống hàng ngày của người dân, bao gồm truyền thông, năng lượng, giao thông, tài nguyên nước và tài chính.
Các quy định liên quan đến CIIO tại Trung Quốc rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực được xem là quan trọng cho an ninh quốc gia và cuộc sống dân cư.
Reuters bình luận, lệnh cấm của Trung Quốc với Micron là một lời nhắc nhở rõ ràng về những rủi ro mà ngành công nghiệp chip toàn cầu phải đối mặt chuẩn bị cho sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung một lần nữa.
Micron, công ty sản xuất chip nhớ flash DRAM và NAND, là nhà sản xuất chip đầu tiên của Mỹ bị Bắc Kinh nhắm tới.
Giới quan sát tin rằng, đây là động thái trả đũa khi Washington trước đó đã ngăn công ty Trung Quốc Huawei được tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mỹ cũng như cấm sử dụng chip của Huawei trong các lĩnh vực cơ bản.
Mỹ trong năm qua đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn một số chip và công nghệ sản xuất chip được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc.
Đồng thời Washington còn lôi kéo các đồng minh trong nhóm G7 hành động chung với nỗ lực áp chế Bắc Kinh. Đòn nhắm vào Micron lần này được công bố ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 là một minh chứng rõ cho thấy điều đó.
Trong năm 2022, thị trường Trung Quốc đóng góp 11% vào tổng doanh thu 30,8 tỉ USD của Micron. Các khách hàng của Micron tại Trung Quốc bao gồm Lenovo, Xiaomi, ZTE, Coolpad, China Electronics Corp và Oppo.
Với lệnh cấm mới nhất từ Trung Quốc, Micron có thể sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Lệnh cấm chip của Micron sẽ có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ chính của công ty Mỹ như Samsung của Hàn Quốc hay SK Hynix trên thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, Reuter cho rằng, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng đã phủ bóng đen lên ngành công nghệ chip và khiến thị trường trở nên biến động mạnh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như tâm lý của các nhà đầu tư.
Kim Sun-woo, nhà phân tích tại Meritz Securities ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết, các chính sách ăn miếng trả miếng như vậy sẽ gây khó khăn cho các quyết định đầu tư đối với tất cả các nhà sản xuất chip.
Changhan Lee, Phó Chủ tịch của Hiệp hội ngành công nghiệp Hàn Quốc cho biết: “Phải mất một lượng lớn đầu tư trước để trở thành một nhà sản xuất chip và phải mất 5 năm, 10 năm để hòa vốn cho những khoản đầu tư đó, do đó, việc đặt khả năng dự đoán vào tình thế nguy hiểm khiến việc đầu tư trở nên khó khăn”.
Theo báo cáo từ tạp chí Financial Times hồi tháng 4, Washington đã thúc giục phía Hàn Quốc kiểm soát các công ty của mình trong việc bán chip nhớ cho Trung Quốc nếu xảy ra trường hợp Bắc Kinh cấm cửa Micron. Tuy nhiên, cả chính quyền Hàn Quốc và Samsung chưa có bất kỳ bình luận nào về tin tức này.
Chỉ vài ngày trước lệnh cấm, Micron đã công bố kế hoạch đầu tư tới 500 tỷ yên (3,7 tỷ USD) vào công nghệ cực tím của Nhật Bản, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên mang công nghệ sản xuất chip tiên tiến này đến Nhật Bản.
Tokyo đang cố gắng phục hồi lĩnh vực chip của mình, trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng thúc giục các đồng minh hợp tác để chống lại ngành chip và sự phát triển công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.