Trung Quốc: Bùng nổ lớp học ngoại khóa

GD&TĐ - Thị trường giáo dục Trung Quốc đã và đang phát triển nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Piano, vẽ tranh, cờ, trượt băng và các lớp ngoại khóa khác mọc lên như nấm tại các quận buôn bán lớn. 

Trung Quốc:  Bùng nổ lớp học ngoại khóa

Các trại hè đắt đỏ với chào mời “mở rộng tầm nhìn cho trẻ” cũng phổ biến. Chi tiêu cho giáo dục trẻ em tăng, mở ra cơ hội kinh doanh lớn nhưng cũng tạo sức ép lên phụ huynh.

Nhà nhà đua nhau

Trong một trung tâm giáo dục Lego tại quận Dongcheng, Bắc Kinh – Cong Cong và những trẻ khác xem các video tàu ngầm. Sau khi giáo viên giải thích cơ bản về vật lí, bọn trẻ bắt đầu lắp ráp tàu ngầm bằng các mảnh ghép Lego.

Lego là một môn học ngoại khoá phổ biến. Cong Cong, 6 tuổi, cũng học cả bơi và Anh ngữ. Trong mắt của Chen Chen, mẹ của bé Cong Cong, Tiếng Anh là môn “phải học”, Lego thì “kích thích sáng tạo” và bơi giúp “tăng cường thể chất”.

Một nghiên cứu về giáo dục sớm Thượng Hải (0 - 6 tuổi) thực hiện bởi Hiệp hội Chất lượng Thượng Hải cho thấy 60% trẻ dưới 6 tuổi tham gia các lớp ngoại khoá, trong đó tỉ lệ trẻ từ 4 - 6 tuổi vượt hơn 70%.

Tính trung bình, mỗi trẻ tham gia 2 môn học với khoảng 2 giờ/tuần. Chi tiêu trung bình hàng năm của hộ gia đình cho các lớp ngoại khoá là 17.932 tệ (khoảng 2.703 USD).

Theo Chen Chen, bà mẹ có 2 con trai, thì hầu hết trẻ trong lớp mẫu giáo của con cô đều học thêm một số lớp ngoại khoá. “Nếu trẻ hứng thú và phụ huynh có thể chi trả thì chẳng có hại gì” – Chen nhìn nhận.

Thị trường rộng mở

Ra đời vào những năm 1980, Chen Chen là một phụ huynh điển hình có học thức và thu nhập cao. So với cha mẹ ở tuổi 50, Chen Chen chi tiêu rộng tay hơn cho giáo dục sớm của thế hệ tiếp theo.

Chen lớn lên trong một hệ thống GD nặng thi cử và hy vọng con mình có nhiều cơ hội phát triển những đam mê riêng và mở rộng tầm nhìn.

Công ty Nghiên cứu thị trường quốc tế Nielsen chỉ ra những người sinh vào những năm 1980 là nhóm tiêu dùng chính tại Trung Quốc. Khi mà hầu hết những người trong độ tuổi đã kết hôn, họ mạnh tay chi cho tiêu dùng, đặc biệt cho giáo dục của con cái – chiếm tới 55% tổng số chi tiêu.

Nhiều công ty nước ngoài đang nhanh chóng “tấn công” vào thị trường giáo dục Trung Quốc.

Lego Education, thuộc Lego Group, thâm nhập Trung Quốc năm 2000. Công ty đang cung cấp các chương trình giáo dục sáng tạo cho nhiều trường mẫu giáo và phổ thông.

Báo cáo thường niên 2016 cho thấy, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất. Vào cuối năm 2016, Lego khai trương nhà máy đầu tiên tại châu Á ở tỉnh Chiết Giang.

Lego khuyến khích ý tưởng học qua chơi. Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm tới khả năng sáng tạo của trẻ. Họ muốn kích thích mối quan tâm của trẻ qua trải nghiệm bằng tay thay vì học vẹt.

Báo cáo ngành công nghiệp GD 2017 của Deloitte cho thấy khi các nhà hoạch định chính sách GD Trung Quốc ưu tiên các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM), số công ty tham gia giáo dục STEAM đã tăng vọt.

Tuy nhiên, thị trường GD bùng nổ cũng gây sức ép lên nhiều phụ huynh, đặc biệt với những nhà có 2 con như Chen Chen. “Chúng tôi phải chi tiêu gấp đôi, nghĩa là phải thắt chặt các khoản sinh hoạt phí khác” – Chen cho biết.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến ca thán rằng họ đang “đốt tiền” vào việc nuôi con.

Với sự phổ biến của du học nước ngoài, kỳ thi Gaokao (tuyển sinh đại học quốc gia) không còn là con đường duy nhất dẫn tới thành công cho nhiều trẻ. Mục tiêu nuôi dưỡng tài năng cá nhân mở ra nhu cầu đa dạng. Nhiều công ty GD Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội để phát triển thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.