Một đoạn video quay cảnh một cậu bé tầm học cấp II bị một nhóm bạn cùng tuổi đấm đá liên tục, đang khiến dư luận Trung Quốc dạy sóng. Vấn nạn bạo lực học đường không mới và không chỉ diễn ra tại Trung Quốc, nhưng các bậc phụ huynh của đất nước đông dân nhất thế giới, tỏ ra không còn tin tưởng vào việc hệ thống giáo dục nước nhà có thể bảo vệ con em họ trong vấn đề “nóng” này.
Tố bạo lực học đường trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã trở thành một trong những phương thức đầu tiên các bậc làm cha mẹ Trung Quốc “nhờ cậy”, khi muốn chính quyền chú ý tới việc con em mình bị bắt nạt.
Hồi tuần trước, một bà mẹ tại Bắc Kinh đã làm điều này trên ứng dụng tin nhắn rất phổ biến của Trung Quốc là WeChat. Đứa con trai 10 tuổi của bà bị các bạn cùng lớp bắt nạt trong hơn một năm. Đến khi bố mẹ phát hiện ra, cậu bé đã bị chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm. Người mẹ cho biết, trường cấp II Zhongguancun - một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu Bắc Kinh - đã không quan tâm đến vấn đề mà con mình đang gặp phải.
“Rõ ràng, chúng tôi là nạn nhân ở đây, chúng tôi chỉ yêu cầu nhà trường xử lý vụ việc và đưa ra lời xin lỗi, tại sao chúng tôi lại bị đối xử như vậy?” người mẹ viết trên WeChat. Đáp lại, trường Zhongguangun tỏ ra không hài lòng với lời cáo buộc này và tuyên bố với dư luận, họ không cho rằng mẫu thuẫn giữa các học sinh có thể được coi là bạo lực học đường.
Lời chia sẻ của bà mẹ trên Internet
Tuy nhiên, lời chia sẻ của người mẹ đã nhận được sự cảm thông của hàng triệu người dùng Internet, thậm chí cả các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc. Năm 2015, chính phủ Trung Quốc cấm các trang web đăng tải ảnh hoặc video về bạo lực học đường. Mặc dù vậy, vấn đề này vẫn luôn nhận được sự quan tâm từ cộng động mạng. Năm ngoái, một video quay tại tỉnh Tứ Xuyên đã khiến dư luận phẫn nộ trước cảnh một nữ sinh bị bạn cùng lớp lột quần áo và đánh đập dã man; trong một số video khác, có những em học sinh bị tát, đá đấm thậm chí bị bạn bè tấn công bằng ống thép.
Bố mẹ tự thỏa thuận bồi thường
Trong một đoạn video mới được phát tán trên mạng gần đây, một cậu bé 12 tuổi tại thành phố Thâm Quyến bị đá liên tiếp vào bụng, sau khi em từ chối nộp tiền “bảo hộ” cho một băng nhóm côn đồ bao gồm chính những học sinh trong trường. Gia đình những kẻ tấn công sau đó đã đồng ý xin lỗi và trả tiền bồi thường cho những chi phí chữa trị và “những tổn thất khác” mà cậu bé nạn nhân phải trải qua.
Việc thỏa thuận bồi thường, thoạt nghe qua có vẻ không phù hợp; nhưng theo Zhang Yangfeng, một luật sư tại Bắc Kinh, điều này được khuyến khích và ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc. “Đây là cách tốt nhất cho mọi người. Nếu không thể dàn xếp, phụ huynh mới tìm đến sự can thiệp của luật pháp,” ông Zhang nói.
Độ tuổi của tình trạng bạo lực tại trường học ngày càng giảm - nhiều khi diễn ra tại các trường học cấp I và cấp II
“Cạm bẫy” bảo vệ con em một cách sai lầm
Một lý do khiến thỏa thuận bồi thường và mạng xã hội được các bậc phụ huynh ưu tiên lựa chọn khi giải quyết vấn đề bạo lực trường học, đó là bởi vì, hai biện pháp này có hiệu quả nhanh hơn và rõ rệt hơn so với tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền hay pháp luật.
Thỏa thuân bồi thường “chỉ mất có vài ngày, so với vài tháng thậm chí vài năm khi liên quan đến hệ thống luật pháp Trung Quốc,” luật sư Zhang cho biết.
Ngoài ra, trong hầu hết trường hợp, các bậc phụ huynh cũng khó có thể trông cậy được vào hệ thống pháp luật. Theo quy định, trẻ vị thành niên từ 14 đến 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự cho những tội thực sự nghiêm trọng, như hiếp dâm và giết người.
Pháp luật bảo vệ trẻ vị thành niên Trung Quốc khuyến cáo trường học “thực hiện các chương trình giáo dục chống bạo lực học đường” và “đảm bảo an toàn cho các nạn nhân”. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng, quy định này còn quá mơ hồ và không kèm theo hình phạt. Đây được đánh giá là sự thất bại của xã hội và giáo dục Trung Quốc trong nhận thức và xử lý vấn đề bạo lực học đường.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã có một số nỗ lực nhằm giải quyết sự gia tăng bạo lực trong trường học, nhưng nhiều bậc phụ huynh và các cơ quan báo chí liên tục kêu gọi cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn nữa.
Chính phủ Trung Quốc bị đánh giá là "bất lực" trước vấn nạn bạo lực học đường
Tờ Hoàn Cầu mới đây cho rằng những quy định hiện hành là “bất lực” – và hiện không có một số liệu chính thức hoặc phân tích nào về vấn nạn bạo lực học đường của Trung Quốc. “Chúng ta không thể tha thứ cho bạo lực trong học đường, và quá trình này… cần được bắt đầu bằng việc các em phải nhận được sự giáo dục đầy đủ từ nhà trường và gia đình,” bài báo viết.
Các nhà phân tích giáo dục Trung Quốc cho rằng, việc coi bạo lực học đường chỉ là những vụ việc mang tính cá nhân, được giải quyết nội bộ rồi sau đó rơi vào quên lãng, thay vì nhìn nhận đây là một vấn đề mang tính hệ thống cần được xử lý tận gốc – các bậc phụ huynh nước này đã rơi vào “cái bẫy” của những biện pháp bảo vệ con em mình một cách không chính thống, thậm chí là sai lầm.