Theo kênh truyền hình BOL News của Pakistan, quá trình đào tạo các phi công nước này lái tiêm kích J-31 đã bắt đầu trên lãnh thổ Trung Quốc, các học viên sẽ trải qua một khóa đào tạo đầy đủ trên máy bay mới.
Cần nhớ lại vào tháng 1 năm 2024, Tham mưu trưởng Không quân Pakistan - Tướng Zahir Ahmed Babar đã nói với giới truyền thông rằng nước quốc gia Nam Á này muốn mua máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc.
Theo ông Babar, chiến đấu cơ thế hệ mới có khả năng tăng cường năng lực của Không quân Pakistan và cho phép nước này hợp tác chặt chẽ hơn trong những dự án hàng không chung.
Pakistan đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C của Trung Quốc, họ chính là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua loại tiêm kích này và sắp tới Islamabad còn tiến xa hơn nữa.
Chiếc J-31 đang được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thẩm Dương của Trung Quốc phát triển thành máy bay chiến đấu đa năng hạng trung thế hệ thứ năm.
Dự kiến phương tiện này sẽ có giá khoảng 70 - 80 triệu đô la Mỹ, giúp nó có tiềm năng thay thế các mẫu J-10A, J-7 và J-11B đã lạc hậu trong thành phần Không quân Trung Quốc.
Ngoài ra vào tháng 7 năm 2022, giới truyền thông đã phát hiện một chiếc tiêm kích hạm J-35 mang số hiệu "35003", nhiều khả năng sẽ được sử dụng trên boong các tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc thuộc dự án Type 003 và Type 004.
Với bộ đôi J-31 trên đất liền và J-35 trên hạm, Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong cuộc đua trang bị tiêm kích thế hệ năm cho không quân cũng như hải quân và nỗ lực chiếm lĩnh thị trường vũ khí quốc tế.
Việc Không quân Pakistan sắp sở hữu tiêm kích J-31, dự kiến Ấn Độ sẽ phải có bước đi cấp tốc đó là đàm phán với Mỹ để mua F-35, bởi New Delhi không còn lựa chọn nào khác khi Su-57 không đáp ứng được yêu cầu và tiến độ hoàn thiện quá chậm.