Trung Quốc: Bài tập về nhà gây áp lực lên… phụ huynh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục tỉnh Giang Tô vừa ban hành 30 hướng dẫn với nội dung giảm áp lực với trẻ em. Cơ quan quản lí giáo dục tỉnh phía Đông Trung Quốc yêu cầu các trường giảm lượng bài tập về nhà, trong bối cảnh gia tăng ca thán của phụ huynh tại Trung Quốc rằng: Gánh nặng bài tập về nhà quá nặng không chỉ gây áp lực tới học sinh mà còn làm khổ phụ huynh.

Trung Quốc: Bài tập về nhà gây áp lực lên… phụ huynh

Vòng luẩn quẩn

30 hướng dẫn giảm áp lực cho học sinh của Sở Giáo dục tỉnh Giang Tô bao gồm giảm cả bài tập ở nhà lẫn khối lượng học tập trên lớp, bên cạnh đó giảm cả áp lực thi cử.

Đặc biệt, các trường học được yêu cầu kiểm soát chặt lượng bài tập về nhà mỗi ngày để bảo đảm nội dung phù hợp với kiến thức học tập trên lớp và cũng đặt ra thời hạn nộp bài tập một cách hợp lí.

“Bài tập về nhà không nên vượt quá mức độ chương trình hoặc khả năng của học sinh” – hướng dẫn nêu – “cũng không nên biến thành bài tập về nhà của phụ huynh”.

Hệ thống giáo dục Trung Quốc từ lâu bị chỉ trích gây quá nhiều áp lực lên học sinh và phụ huynh. Giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh được coi là một trong những mục tiêu chính trong kế hoạch phát triển và cải cách giáo dục quốc gia được ban hành năm 2010.

Một giáo viên tiểu học tại Nam Kinh nhìn nhận bài tập về nhà lẽ ra được giáo viên biên soạn để học sinh hoàn thành dưới sự giám sát của phụ huynh trong một “mối hợp tác ba bên”.

“Nhưng nó đã trở thành một vòng luẩn quẩn, bởi học sinh hoàn thành bài tập một cách hoàn hảo với sự trợ giúp của phụ huynh, vì thế mà giáo viên lại giao những bài tập có mức độ khó cao hơn” – giáo viên không nêu tên phân tích – “Điều này thực sự tạo ra một tình trạng khiến cả 3 bên không thoải mái”.

Nỗi niềm phụ huynh

Không chỉ phụ huynh tại Giang Tô mà chủ đề quá tải bài tập về nhà được tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội tại Trung Quốc. Nhiều phụ huynh chia sẻ phải làm bài tập thay con và công việc này khiến họ “điên đầu”.

Một ông bố chia sẻ: “Tôi làm giúp bài tập cho con từ lớp 1 - 5 và tới một ngày tôi lên cơn đau tim và phải nhập viện. Sau khi suy ngẫm tôi nhận ra rằng cuộc sống là điều quan trọng hơn nhiều so với cái mớ bài tập của con”.

Một ông bố khác quy nguyên nhân chảy máu não cho việc làm bài tập về nhà. Theo ông bố này thì mỗi khi ngồi vào làm bài tập cùng con thì một cảm giác căng thẳng đã tràn ngập trong đầu.

Những bài tập có độ khó “đánh đố” khiến ông bố này dễ dàng cáu bẳn và nổi giận, đặc biệt vào những lúc bế tắc tìm cách giảng giải cho con hiểu.

Không chỉ phát cáu vì những bài tập khó, phụ huynh – những người hầu hết chẳng có tí kiến thức sư phạm nào - cũng điên đầu khi trẻ không tập trung. “Không nổi điên sao được, 10 – 2 = 3. Nó giơ 10 ngón tay nhưng chỉ tính số ngón còn lại trên một bàn tay sau khi trừ đi 2” – một phụ huynh có con học lớp 1 bức xúc.

Một phụ huynh khác có con học lớp 2 kể: “Khi thấy con làm phép tính 2 x 6 = 30, tôi hỏi “đầu của con ở đâu?”, nó chỉ vào đầu và nói “ở đây”. Bảo sao tôi không nổi điên!”.

Một bà mẹ bức xúc: “Thời tôi đi học, bố mẹ tôi xem TV trong khi tôi làm bài tập về nhà. Giờ đây khi tôi làm đủ việc nhà thì tôi còn phải kiêm thêm việc… làm bài tập của con”.

Theo Jin Peiqing, một chuyên gia giáo dục, hầu hết phụ huynh không có khả năng hoặc thời gian giúp con làm bài tập về nhà và giáo viên không thể đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh nếu phụ huynh làm giúp bài tập cho con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.