Trung lương cần phòng tiểu nhân hiểm ác

GD&TĐ - Tần Cối là nhân vật giảo hoạt, cơ hội trong lịch sử Trung Quốc thời Tống suy.

Tượng Tần Cối và Vương Thị quỳ trước Nhạc Miếu ở Hàng Châu, hai tượng này dùng để người Trung Quốc đến thăm và phỉ báng tội trạng của hai người.
Tượng Tần Cối và Vương Thị quỳ trước Nhạc Miếu ở Hàng Châu, hai tượng này dùng để người Trung Quốc đến thăm và phỉ báng tội trạng của hai người.

Tuy nhân cách kém, nhưng hắn biết cách che giấu, đầu óc lại khá thông minh, ăn nói hùng biện, biết lấy lòng mọi người xung quanh nên thành đạt từ sớm.

Năm 22 tuổi, sau khi thi đỗ Tiến sĩ, Cối được bổ nhiệm làm quan, đầu tiên ở tỉnh, sau đó rất nhanh chóng được triệu về làm quan trong triều nhà Tống.

Khi đó, nhiều bộ tộc từ các quốc gia phía Bắc như Kim, Tây Hạ, Mông Cổ... nhân cơ hội nhà Tống hèn yếu đã liên tục tấn công, xâm phạm đất đai.

Năm 1130, khi quân Kim vây phá kinh đô Khai Phong đã bắt được Tần Cối mang về nước. Cối hèn nhát đầu hàng xin vua Kim tha mạng và hứa làm người nối giáo cho nhà Kim, bản rẻ tổ quốc mình.

Thế rồi Tần Cối về đến nhà, phao lên rằng đã giết được bọn canh gác trốn thoát khiến nhiều người, trong đó có cả vua Tống Cao Tông (Triệu Cấu) rất quý trọng, coi như người hùng.

Tần Cối nom vẻ ngoài bình thường, tóc đen bóng, trán vừa phải, mắt đen - con ngươi nhỏ, nhân trung ngắn. Cái hấp dẫn nhất của hắn đối với xung quanh là biết che giấu suy nghĩ của mình, rất niềm nở, biết cách thâu tóm rất nhanh tri thức của người đối thoại để chuyển hóa thành của mình, đón ý cấp trên rất thạo.

Người giỏi nhân tướng ngại nhất hắn có mồm rộng với cử chỉ hay thè lưỡi ra liếm môi và liếm tận đầu mũi, giống như rắn của Tần Cối.

Những chính nhân, quân tử khi tiếp xúc với hắn đều cảm thấy khó chịu nhưng khó bắt bẻ hắn vì hắn rất lợi khẩu và xảo biện.

Khi được Tống Cao Tông ngày càng tín nhiệm trao cho chức tể tướng, Tần Cối bắt đầu thực hiện âm mưu phản quốc bằng cách vừa tuyên truyền cho sự hùng mạnh nhà Kim, hình thành phái chủ hòa trong triều, lại vừa tìm cách gây khó khăn cho các tướng chủ chiến ngoài mặt trận như Hàn Thế Trung, Nhạc Phi, Lưu Kỹ, Trương Tuấn...

Nhạc Phi (1103 - 1142) người anh hùng chống ngoại xâm, người con ưu tú của nhân dân Trung Hoa đã bị Tần Cối sát hại rất oan ức. Chuyện xảy ra như sau:

Nhạc Phi chỉ huy một cánh quân Tống rất mạnh gồm hơn 10 vạn, kỷ luật tốt, trung thành và tinh nhuệ. Ông đánh thắng quân Kim nhiều trận. Trong trận Dĩnh Xương đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, trong đó có đại tướng Hạ Kim Ngô - con rể của nguyên soái nước Kim là Hoàn Nhan Ngột Truật.

Quân Nhạc Phi định thừa thắng truy kích đánh bật quân Kim thu phục bờ cõi, nhưng bọn Tần Cối đã bàn với vua Tống rằng nếu Nhạc Phi đánh đuổi quân Kim gấp, chúng sẽ rút về phía Nam uy hiếp triều đình, không cho hòa hoãn nữa. Cuối cùng, vua Tống đã sai Tần Cối soạn 12 đạo dụ ban trong một ngày lệnh cho Nhạc Phi rút quân về triều.

Công sức Nhạc Phi trong 10 năm giành lại được nhiều vùng đất rộng, quan trọng phía Bắc chỉ trong một ngày trở thành công cốc. Nhạc Phi bầm gan tím ruột, nuốt hận phải rút quân về Ngạc Châu để phòng thủ, ông và tướng sĩ hết sức phẫn uất.

Năm 1141, Tần Cối được Tống Cao Tông cho phép đã hạ độc thủ Nhạc Phi. Theo kế hiểm của Cối, Cao Tông phong chức tước cho các tướng Hàn Thế Trung, Nhạc Phi, Trương Tuấn... nhưng tước binh quyền của họ. Tần Cối lại bày ra quỷ kế để các tướng hại nhau.

Biết Trương Tuấn hẹp hòi, tị hiềm với Nhạc Phi, vì trước kia họ Nhạc chỉ là tướng dưới quyền của Tuấn, nay thì danh vọng Nhạc Phi có phần hơn cả Tuấn, nên Tần Cối cử thuyết khách dùng mồi nhử vàng bạc và hứa thăng chức cao.

Tuấn và Cối hợp mưu dụ bộ tướng của Nhạc Phi là Vương Quý vu cáo Nhạc Phi định chiếm Tương Dương chống lại triều đình. Lấy cớ đó Cối giao Nhạc gia cho Trương Tuấn tra xét.

Tuấn dùng đại hình tra khảo rồi đưa một bản khẩu cung giả cho Tần Cối để Cối cho bắt cha con Nhạc Phi cùng Trương Hiến giam vào ngục. Đại thần Chu Tam Úy được lệnh xét án, hiểu nỗi oan của Nhạc Phi nên treo mũ từ quan, Cối giao vụ án cho Vạn Sĩ Khiết.

Sĩ Khiết có hiềm khích với Nhạc Phi, thấy hành hạ Nhạc Phi không kết quả bèn làm thêm một bản khẩu cung giả giao cho Tần Cối. Nhưng do chứng cớ chưa rõ ràng nên không thể xét tội.

Tần Cối băn khoăn bèn tới chùa Linh Ẩn cầu xin quẻ và gặp Phong Ba hòa thượng để tham vấn. Thấy Cối, Phong Ba hòa thượng nói: “Đạo Trời rõ ràng, trung -gian tự thấy, thiện ác hữu báo.

Thí chủ là Tể tướng, một tay có thể nâng cả bầu trời, cớ sao phải sát hại trung thần lương đống? An nguy của quốc gia, lẽ nào không thèm đếm xỉa tới?”, Cối hỏi: “Ai là lương đống?”, Phong Ba hòa thượng nghiêm mặt nói: “Nhạc Phi tướng quân!”.

Cối vô sỉ, lảng sang việc khác; Hòa thượng mắng: “Thật ngu xuẩn, vẫn chưa tỉnh ngộ, về sau hối e rằng đã muộn”, rồi lấy cây chổi cùn quét lia lịa vào mặt Cối, quét xong nghênh ngang bỏ đi, bỗng chốc mất hút bóng dáng. Cối bị động quên cả việc hô lính bắt hòa thượng...

Việc này kéo dài đến tận cuối năm 1141, nhiều đại thần lên tiếng phản bác và xin tha cho Nhạc Phi. Lão tướng Hàn Thế Trung chất vấn Cối về tội Nhạc Phi. Cối bí quá trơ tráo nói bừa: Không có mà cũng chẳng cần có (Mạc tu hữu)?

Đầu năm 1142, nghe tin Lưu Doãn Thăng ở Kiến Khang thay mặt trăm họ kêu oan cho Nhạc Phi, Tần Cối thêm bối rối. Vợ Cối là Vương Thị Xảo là mụ đàn bà hiểm ác luôn tham dự mưu ma chước quỷ với chồng, bàn với Cối nên hạ thủ ngay Nhạc Phi để tránh đêm dài lắm mộng.

Cối khen phải, sai giết Nhạc Phi trong ngục, còn Trương Hiến và Nhạc Vân bị mang ra chém ở chợ. Ngày Nhạc gia bị nạn tất cả tướng sĩ của Nhạc Phi và dân chúng đều chảy nước mắt.

Các đại thần có quan hệ thân thiết với Nhạc Phi như Hà Ngạn Dụ, Tiết Nhân Phu, Vũ Bằng... đều bị cách chức hoặc bị giết hại.

Là võ tướng chất phác, đơn thuần, trung thành với chúa ngu, ấn trĩ chính trị, Nhạc Phi đã bị Tần Cối cho vào rọ, chết thảm. Năm 1150, trên đường từ nhà đi thượng triều, Cối gặp một hảo hán tên Thi Toàn, hiệu là Điện tiền tiểu hiệu đang đẩy xe đồ ra chắn kiệu của Cối định hành thích. Vệ sĩ của Cối xúm vào đánh, bắt được Thi Toàn, Cối cho tra khảo tại chỗ thì bị Thi Toàn chửi là kẻ gian thần bán nước.

Cối sai giam Toàn vào Đại lý tự, hôm sau đem chém bêu đầu ở cổng thành. Từ đó mỗi lần ra đường, Cối đều đem theo 50 cao thủ thân tín hộ vệ, lại rải thêm lính giả làm dân thường, đứng lẫn với cư dân 2 bên đường để gia tăng phòng bị.

Năm 1155, Cối đang lên kế hoạch giết khoảng hơn 50 người khác ý trong triều thì thấy 1 cơn gió lạnh nổi lên thốc vào mặt, liền bị ốm và bị những giấc mơ khủng khiếp hành hạ, cứ liên tiếp tự cắn vào lưỡi mình.

Được báo, Cao Tông vội đến phủ Tần Cối thăm thì Cối bị tụt lưỡi không nói được nữa, tuy đầu óc còn tỉnh táo, tự nhiên hắn mếu máo bật khóc, còn trên sống lưng mọc ra 1 cái nhọt hôi thối.

Cao Tông về cung, nửa thấy vui vì kẻ quyền thần đang khó áp chế sắp vô hiệu, nửa buồn vì từ nay chẳng còn ai đứng ra chịu tiếng xấu để bảo tồn ngai vàng, lại có chút buồn tiếc vì mất 1 kẻ ác “tâm đầu ý hợp” với mình.

Thấy vua có vẻ vẫn còn cảm tình với Cối, bọn phe đảng của Cối  liền tấu xin cho Tần Hi (con nuôi Cối) làm Tể tướng thay Cối nhưng Cao Tông không nghe.

Đêm đó, Tần Cối chết sau một hồi quằn quại kêu không thành tiếng mà như thú bị hóc xương, thọ 66 tuổi. Vợ Cối cũng luôn nằm mơ thấy người đến đòi mạng, mấy hôm sau mồm không ngậm được, lưỡi thè ra đen dần rồi tắt thở.

Người Hoa ghét cặp đôi này, nên làm “bánh quẩy” bằng bột chiên trong dầu, luôn là từng cặp dính nhau, tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị trói với nhau bị ném vào vạc dầu hành tội.

Số phận những kẻ tham gia vào vụ án hại Nhạc Phi đều bi thảm: Vua Cao Tông tuyệt tự, cứ thảng thốt lo lắng nhiều năm rồi chết; Trương Tuấn bị Cối đuổi về quê làm dân thường, xấu hổ, lương tâm cắn rứt, bị cây kiếm treo trên tường rơi vào đầu rồi chẳng thọ lâu.

Vương Quý hối hận, thường thấy Nhạc Phi, Trương Hiến hiện về đứng trước giường nhìn buồn bã; một lần trời tối, cưỡi ngựa ra ngoại thành bị 1 võ sĩ từng theo học “Nhạc gia quyền” của Nhạc Phi bắt gặp, nên đâm tử thương.

Vạn Sĩ Khiết thì luôn hình dung thấy dòng chữ “Tinh trung báo quốc” xăm trên lưng Nhạc Phi cứ xuất hiện trong giấc ngủ rồi bốc thành lửa đốt hắn, được mấy hôm không ốm đau, nhưng mắt cứ trợn ngược lên rồi về cõi âm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ