Trùm ma túy Mexico bị lừa đến Mỹ

GD&TĐ - Trùm ma túy 'El Mayo' lên chuyến bay cùng con trai của 'El Chapo', mà không biết bị lừa đến Mỹ. Chờ ông ta ở đường băng là các đặc vụ FBI.

Vụ bắt giữ hai trùm ma túy tràn ngập mặt báo Mexico. Ảnh: Reuters
Vụ bắt giữ hai trùm ma túy tràn ngập mặt báo Mexico. Ảnh: Reuters

Chuyến bay dối trá

Ngày 25/7, khi chiếc máy bay phản lực cất cánh từ Mexico, các đặc vụ Mỹ đã đợi sẵn tại sân bay ở thành phố nhỏ gần El Paso, bang Texas, Mỹ, để bắt giữ hai ông trùm ma túy.

Chiếc máy bay tư nhân chở theo hai hành khách. Một người là Joaquin Guzman Lopez, 38 tuổi, con trai của trùm băng đảng Sinaloa, Joaquin “El Chapo” Guzman Loera, hiện thụ án chung thân trong nhà tù an ninh tối cao ở Colorado, Mỹ.

Người còn lại là trùm ma túy Ismael “El Mayo” Zambada, 76 tuổi. Ông ta đã cùng El Chapo cha thành lập băng đảng Sinaloa khi cả hai còn trẻ và bành trướng đế chế của mình, thâu tóm hoạt động buôn bán ma túy tại Mexico. El Mayo nằm trong nhóm tội phạm bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao.

Các nguồn tin cho biết vụ bắt giữ diễn ra sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa chính quyền Mỹ và Joaquin nhưng bất thành. Nhiều quan chức Mỹ đã từ bỏ hy vọng Joaquin sẽ tự thú nhưng bất ngờ thay, hắn ta đã gửi một thông điệp vào phút chót.

“El Chapo” con tiết lộ hắn ta sẽ sang Mỹ cùng với trùm ma túy El Mayo, người mà FBI đã truy đuổi suốt 40 năm với mức tiền thưởng lên tới 15 triệu USD cho người cung cấp manh mối bắt giữ.

“El Mayo là mục tiêu ngoài sự mong đợi. Không ai ngờ có thể bắt được ông ta”, một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Theo nguồn tin bí mật, Joaquin đã thuyết phục El Mayo lên máy bay đi nghiên cứu bất động sản ở miền Bắc Mexico. El Mayo đã tin là vậy mà không hay biết rằng mình đã bị lừa và lên chuyến bay đến Mỹ, nơi các đặc vụ đã chờ sẵn.

Reuters là cơ quan đầu tiên đưa tin về vụ bắt giữ và đã ghép nối các chi tiết thành một câu chuyện hoàn chỉnh.

Sau khi nhận thông tin của Joaquin, FBI đã phối hợp với Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI) điều động đặc vụ từ các cơ sở địa phương đến sân bay ở El Paso để thực hiện nhiệm vụ. Kế hoạch gấp gáp đến mức các đặc vụ suýt không đến kịp đường băng lúc phi cơ hạ cánh.

Một nhân viên tại Sân bay quốc tế Dona Ana County, gần El Paso, kể rằng anh nhìn thấy một chiếc máy bay Beechcraft King Air hạ cánh trên đường băng vào chiều ngày 25/7, nơi các đặc vụ đã bao vây. Hai người xuống máy bay và bị bắt mà không kháng cự.

trum ma tuy mexico bi lua den my (2).jpeg
Chiếc máy bay được cho là chở hai trùm ma túy Mexico hạ cánh xuống sân bay Mỹ. Ảnh: Reuters

Kế hoạch đầu hàng

El Mayo được cho là một trong những trùm ma túy gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mexico. Hiện chưa rõ lý do tại sao Joaquin lại phản bội “người anh em” thân tín của cha nhưng nhiều giả thuyết cho rằng hắn ta muốn đạt được thỏa thuận nhận tội có lợi từ chính quyền Mỹ và giúp anh trai, Ovidio, người đã bị bắt và dẫn độ về Mỹ vào năm 2023.

Trong quá khứ, chính quyền Mỹ thường lấy các trùm ma túy làm mục tiêu chính để đàm phán thỏa thuận nhận tội và đổi lấy thông tin giá trị hơn giúp bắt giữ các nhân vật cấp cao. Kênh liên lạc bí mật giữa FBI và Joaquin là qua luật sư.

trum ma tuy mexico bi lua den my (1).jpeg
Chân dung trùm ma túy 'El Mayo' thời trẻ. Ảnh: INT

Hôm 26/7, El Mayo, hiện phải ngồi xe lăn, đã không nhận tội tại Tòa án bang Texas về các cáo buộc liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền. Luật sư của ông, Frank Perez, cho biết El Mayo không tự nguyện đến Mỹ. Ông ta nói rằng mình bị bắt cóc ở Mexico và cưỡng ép đưa đến Mỹ.

Hiện nay, còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về việc tại sao hoặc bằng cách nào El Mayo, một ông trùm băng đảng cực kỳ thận trọng, giàu kinh nghiệm, lại có mặt trên máy bay cùng Joaquin. Bộ trưởng An ninh Mexico, Rosa Rodriguez, cho biết Chính phủ Mỹ đã thông báo cho nước này về vụ bắt giữ nhưng họ không tham gia vào hoạt động này.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador có cách tiếp cận thận trọng trong vấn đề về các băng đảng ma túy là hạn chế hợp tác an ninh với Mỹ vì lo ngại gia tăng bạo lực trên toàn quốc.

Hồi tháng 10/2019, quân đội Mexico bắt giữ Ovidio nhưng buộc phải thả anh ta sau khi hàng trăm chiến binh Sinaloa chặn đường, đấu súng với quân đội tại thành phố Culiacan. Ovidio bị bắt một lần nữa và dẫn độ về Mỹ vào tháng 9 năm ngoái.

Ông Matthew Allen, cựu đặc vụ phụ trách HSI tại bang Arizona, cho biết cả El Mayo và Joaquin đều trò chuyện định kỳ với các quan chức Mỹ về việc đầu hàng trong nhiều năm.

Việc đầu hàng, ngồi tù một thời gian rồi tiêu pha tiền bạc là lựa chọn được nhiều ông trùm lựa chọn thay vì mạo hiểm đối đầu với chính quyền hoặc bị truy lùng bởi các băng đảng đối thủ. Một số người cung cấp thông tin còn được phép tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng.

“Theo cách này, họ có thể thụ án và không phải lo lắng suốt quãng đời còn lại”, ông Matthew nói.

Cuộc sống xa hoa

trum ma tuy mexico bi lua den my (3).jpg
Ông trùm 'El Chapo' đang thụ án tại nhà tù Mỹ. Ảnh: INT

Lấy ví dụ, trùm băng đảng ma túy Ecuador, Jose Adolfo Macia, sống như một vị vua tại La Regional, một trong những nhà tù lớn nhất đất nước. Cuộc sống của Macias so với những tù nhân khác vốn không phải điều bí mật.

Trùm ma túy từng tổ chức tiệc sinh nhật 42 tuổi hoành tráng trong tù với bánh kem, pháo hoa. Ca sĩ được mời đến biểu diễn và chúc mừng sinh nhật ông trùm.

Một nguồn tin quân sự chia sẻ với CNN rằng Macia thích chọi gà khi ở trong tù. Phòng giam của ông ta được cơi rộng bằng hai phòng giam thông thường, có phòng tắm riêng, giường cỡ lớn và tủ lạnh. Bên ngoài là sân cỏ với nhiều chuồng nhốt gà chọi, thậm chí có một bể lớn nuôi cá vì Macia muốn ăn thực phẩm tươi sống.

Ngoài cuộc sống xa hoa, phòng giam của Jose được lính canh bảo vệ, xung quanh ông là các đàn em phạm tội. Ông ta có thể điều hành việc làm ăn của băng đảng từ xa. Cuộc sống này an toàn và thoải mái hơn so với ở bên ngoài, nơi nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, tình trạng trên cũng cho thấy sự tha hóa trong các nhà tù ở Ecuador.

Ông trùm ma túy Mexico tên đầy đủ là Joaquín Archivaldo Guzmán Loera. Vì chỉ cao 167cm, hắn có biệt danh là “El Chapo” (gã lùn).

Guzmán sinh ra và lớn lên tại thị trấn Badiraguato, khu vực hẻo lánh tại bang Sinaloa, phía Tây Bắc Mexico. Guzmán từng tiết lộ gia đình hắn rất nghèo khó, phụ thuộc vào việc trồng ngô và đỗ tương. Từ nhỏ, hắn đã phải bán cam và nước giải khát để phụ giúp gia đình.

Năm lớp 3, hắn bỏ học, nhận những công việc tay chân để kiếm tiền. Từ những năm 1980, hắn gia nhập băng đảng ma túy Guadalajara, do Miguel Ángel Félix Gallardo cầm đầu.

Nhờ chiếm được lòng tin của ông trùm, Guzmán nhanh chóng thăng tiến cấp bậc trong tổ chức. Khi Guadalajara tan rã vào cuối những năm 1980, Guzmán thành lập băng đảng mới, mang tên Sinaloa, dựa trên những kinh nghiệm tích lũy trước đó.

Dưới sự cai quản của Guzmán, băng đảng Sinaloa đã phát triển kỹ thuật, chiến lược buôn lậu ma túy bài bản, sáng tạo, vượt xa nhiều đối thủ đương thời. Băng đảng này đã sản xuất và buôn lậu nhiều loại ma túy bất hợp pháp gồm cần sa, heroin, cocaine và ma túy đá.

Ma túy được vận chuyển lậu từ Mexico đến Arizona, Los Angeles hay Chicago qua đường tàu thủy. Nếu bị phát hiện, chúng sẵn sàng bỏ lại những con tàu lớn, nhiều giá trị như tàu đánh cá, tàu ngầm.

Thế mạnh của băng đảng Sinaloa là cần sa do có sẵn nguồn cung trong nước, hạn chế được chi phí sản xuất, vận chuyển. Tuy nhiên, nhược điểm của cần sa là dễ bị phát hiện, có mùi nồng hơn so với cocaine.

Để vận chuyển lậu, chúng làm cầu bao cát qua sông Colorado hoặc dùng máy phóng để đẩy những kiện hàng từ Mexico sang Arizona, Mỹ. Sau cần sa, băng đảng khai thác ma túy đá, sản phẩm có giá thành rẻ, dễ dàng vận chuyển.

Khi nhắc đến thành tựu của Guzmán trong giới ma túy, không thể không nhắc đến việc sử dụng hệ thống đường hầm. Hắn cũng được mệnh danh là “ông trùm đường hầm” khi xây dựng hệ thống đi ngầm dưới lòng đất từ Mexico sang Mỹ, thuận lợi cho quá trình vận chuyển lậu.

Năm 2009, tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông trùm Sinaloa là 1 tỷ USD. Nhờ vận chuyển lậu ma túy, mỗi năm, Guzmán thu thêm khoảng 3 tỷ USD. Tại Mexico, hắn được “tôn vinh” như vị anh hùng của nhân dân. Câu chuyện về cuộc đời El Chapo được người dân truyền tai nhau, làm nguồn tư liệu cho các bài hát.

Chia rẽ giới ma túy

trum ma tuy mexico bi lua den my (2).jpg
Joaquin, con trai trùm ma túy 'El Chapo'. Ảnh: INT

El Chapo bị bắt và kết án tù chung thân tại Mỹ vào năm 2018. Ông ta liên quan đến 10 tội danh hình sự liên bang, bao gồm tham gia hoạt động phạm tội xuyên biên giới, rửa tiền từ ma túy, phân phối cocaine, heroin, cần sa và vũ khí.

Tại phiên tòa, luật sư của El Chapo nói rằng El Mayo mới là trùm thực sự của Sinaloa. Ông ta đã hối lộ Chính phủ Mexico để gài bẫy El Chapo, chiếm quyền điều hành băng đảng.

Joaquin là một trong 4 con trai của El Chapo, còn gọi là “Chapo nhỏ”, thừa kế quyền lực, bè cánh của cha trong băng đảng Sinaloa. Joaquin và Ovidio là anh em ruột còn hai người còn lại, là Ivan và Jesus Alfredo, là con riêng của ông trùm với người vợ trước.

Các con trai của El Chapo được mô tả là hung hăng và nóng nảy hơn El Mayo, người thích ẩn trong bóng tối để điều hành. Joaquin được đánh giá là “thiếu uy” nhất trong 4 anh em.

Việc El Mayo bị bắt ở tuổi gần 80 và việc ông ta bị phản bội bởi Joaquin gây chấn động giới buôn bán ma túy Mexico. Vụ việc đồng thời làm dấy lên nỗi lo sợ về sự chia rẽ đẫm máu giữa hai gia đình kiểm soát quyền lực lớn nhất của băng đảng Sinaloa.

Giới quan sát cảnh báo vụ bắt giữ hai ông trùm ma túy có thể đẩy Mexico đến bờ vực khủng hoảng bởi sự kích động và trỗi dậy của các băng đảng mới. Quyền lực của các băng đảng tội phạm sẽ bị chia rẽ và định hình lại thông qua các vụ đối đầu đẫm máu.

AFP dẫn lời bà Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về tội phạm ma túy tại Viện Brookings, Mỹ, cho biết việc trùm El Mayo sa lưới sau khi trùm El Chapo ngồi tù tại Mỹ có khả năng cao thúc đẩy tình trạng bạo lực tội phạm vốn đã căng thẳng ở Mexico và sản sinh thị trường tội phạm thậm chí còn nguy hiểm hơn cho Mỹ. Những băng đảng mới (CJNG) có mức độ bạo lực hơn so với thế hệ cũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.