Trực trường ngày Tết: Phát huy tinh thần, trách nhiệm

GD&TĐ - Với đặc thù riêng của ngành Giáo dục, từng địa phương, công tác trực Tết trong các trường học cũng có sự phân công khác nhau.

Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: TG
Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: TG

Tuy nhiên, cơ bản Ban giám hiệu (BGH) các nhà trường đều dựa trên quan điểm tạo điều kiện tối đa cho GV được nghỉ; phân công hợp lý thấu tình để ai cũng có những ngày Tết trọn vẹn. 

Tạo điều kiện tối đa cho GV nghỉ Tết

Với đội ngũ GV, đặc biệt GV vùng cao, mỗi năm chỉ có 2 dịp nghỉ dài ngày là Tết và hè. Tuy nhiên dịp Tết vẫn được các thầy cô trông đợi hơn cả để sum họp gia đình. Do đó BGH các nhà trường cũng hạn chế phân công GV trực Tết, chỉ trừ một số ít nhà trường phải tăng cường thêm GV cùng tham gia công tác trực trường trong dịp này. 

Thầy Nguyễn Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Y Tý (Bát Xát – Lào Cai) cho biết: Tết Nguyên đán năm nay, HS Lào Cai được nghỉ 2 tuần. Tuy nhiên, nhà trường chỉ phân công BGH và bảo vệ làm công tác trực trường. Bảo vệ sẽ trực thường xuyên tại trường, BGH gồm 1 Hiệu trưởng, 2 Phó Hiệu trưởng chia đều số ngày để luân phiên trực lãnh đạo.

Số ngày nghỉ Tết dài, số người trực không nhiều nhưng BGH không quá lo lắng bởi trước khi về nghỉ Tết, nhà trường đã làm công tác thống kê và bàn giao tài sản với các cấp chính quyền địa phương. Như vậy, sẽ có sự phối kết hợp và tăng cường lực lượng trong công tác bảo vệ trường lớp.

“Bảo vệ là người địa phương, nhà gần trường nên việc trực không khó khăn. Ngoài ra có bí thư, trưởng thôn, công an xã thăm nắm hoạt động của bảo vệ. Đặc biệt, nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân và HS quanh trường cùng nâng cao trách nhiệm, ý thức trong việc bảo vệ tài sản trường lớp… Nhiều năm nay, các dịp nghỉ hè, Tết, an ninh và tài sản nhà trường được bảo đảm” – thầy Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh – Ninh Bình) cho hay: HS Ninh Bình nghỉ Tết 1 tuần. Trong những ngày HS nghỉ học, nhà trường phân công từ bảo vệ, BGH và GV cùng trực Tết. Mỗi ngày trực Tết có bảo vệ, 2 GV, 1 lãnh đạo nhà trường. 

Việc phân công trực Tết khá linh hoạt theo từng người, công việc và căn cứ theo đề xuất của GV. “Với GV có con nhỏ, cao tuổi, quê ở xa (Hà Tĩnh, Thanh Hóa…) được miễn trực. Thậm chí có GV đề xuất mong muốn được trực Tết từ mùng 2 - 4 bởi những ngày trước Tết từ 28 - 30 còn bận kinh doanh, kiếm thêm dịp Tết, tranh thủ về quê xa… chúng tôi cũng linh động xếp lịch. Và để tạo điều kiện tối đa cho GV, chúng tôi cho GV đăng ký lịch trực Tết” - cô Hợi nói. 

Theo cô Nguyễn  Hương Giang – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang), phân công trực Tết nhiều năm qua chỉ có thành phần chính là: Bảo vệ, nhân viên hành chính và BGH. GV không phải trực Tết. Tuy nhiên, trong quá trình họp phân công, BGH luôn lưu tâm đến các trường hợp con nhỏ, nhà xa, hoàn cảnh riêng, đau ốm… để bố trí hợp lý. Thậm chí có thể huy động sự tự nguyện hỗ trợ của những thầy cô trực thay. 
    
Xác định trách nhiệm rõ ràng

Theo thầy Nguyễn Văn Thanh, GV vùng cao quanh năm sống xa nhà, ngày Tết với họ rất quý nên BGH không tăng cường thêm vào việc trực trường. Cơ bản chịu trách nhiệm chính vẫn là bảo vệ và BGH. Dù nhà cách trường vài chục cây số nhưng có bất kỳ công việc gì, ngày hay đêm… cần xử lý BGH lập tức có mặt.

“Việc trực Tết với BGH không có phụ cấp thừa giờ bởi đó là công việc, trách nhiệm đã được quy định. Bản thân tôi và thầy cô trong BGH coi trực Tết là công việc bình thường. Mặt khác, trường với chúng tôi cũng là ngôi nhà thứ 2 nên trực Tết vừa là trách nhiệm cũng là tình cảm với nghề, trường…” – thầy Thanh tâm sự. 

Cô Nguyễn Hương Giang thông tin: Hàng chục năm nay tôi đều tham gia vào công việc trực trường dịp Tết. Trường PTDTBT Tiểu học xã Thanh Vân có 1 điểm chính, 5 điểm lẻ, điểm cách xa nhất hơn 10 km… nhưng tổ trực trường đều thăm nắm tình hình đầy đủ. 

Tuy nhiên, điều mà cô Giang cho rằng đáng mừng và nhẹ nhàng hơn trong công tác trực trường ngày Tết trong những năm gần đây là ý thức của bà con dân tộc đã nâng lên đáng kể. Tình trạng phá hoại, gây mất an ninh trật tự gần như không xảy ra. 

Mặt khác, sự kết hợp chặt chẽ của nhà trường với chính quyền huyện, xã, thôn bản, phụ huynh… trong vấn đề bảo vệ tài sản trường lớp dịp Tết đã phát huy hiệu quả. Công tác thống kê bàn giao tài sản trước và sau Tết theo quy trình nghiêm túc. Do đó, với mỗi điểm trường dịp HS nghỉ Tết không chỉ có bảo vệ, BGH, điểm trưởng… mà còn có các lực lượng như công an, dân quân xã cùng có trách nhiệm kiểm tra rà soát. 

Dưới góc độ quản lý, cô Trần Thị Hợi cũng bày tỏ: Chế độ dành cho người lao động làm trong ngày Tết được trả 300% tiền công so với ngày thường. Tuy nhiên, với những trường học còn khó khăn như Trường Tiểu học Khánh Nhạc B không có điều kiện để chi trả cho GV trực Tết như vậy. Việc huy động GV trực Tết vẫn chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, tình cảm gắn bó của GV với trường lớp. 

Nhà trường chỉ có thể đề xuất trong quy chế chi tiêu nội bộ chế độ bồi dưỡng trực Tết cho bảo vệ, GV (từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày) mang tính động viên. Nhiều năm nay, GV được tăng cường trực Tết đều vui lòng, tự nguyện, thậm chí coi buổi trực Tết thành dịp gặp mặt sớm, cùng động viên chia sẻ công việc, cuộc sống với đồng nghiệp… - Cô Trần Thị Hợi 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ