Theo thông báo, sự việc này xảy ra đã khá lâu nhưng đến nay đoạn video này mới xuất hiện trên Internet.
Đoạn phim cho thấy cách Ka-52 tấn công và bắn tên lửa dẫn đường Vikhr. Ngay sau đó có thể thấy một quả đạn Starstreak đang bay về phía trực thăng như thế nào.
Sự việc trên được đánh giá là may mắn hy hữu, bởi với vận tốc rất lớn của tên lửa Starstreak, nếu bắn chính xác thì chiếc Ka-52 không thể cơ động lẩn tránh hiệu quả.
Tên lửa phòng không Starstreak - còn được gọi là Tên lửa Vận tốc Cao (HVM) đã được thông qua vào năm 1997, nó sở hữu các đặc tính kỹ chiến thuật cao và có thể phóng đi từ đa dạng nền tảng.
Đặc biệt, thay vì sử dụng đầu đạn phân mảnh mang thuốc nổ truyền thống, đầu đạn của Starstreak bao gồm 3 mũi tên riêng biệt, tương tự như đạn dưới cỡ nòng của xe tăng. Chúng được làm bằng vonfram rất cứng, cho khả năng xuyên thủng cả vỏ giáp của xe bọc thép.
Điều này cho phép phân tán đạn phụ tới tốc độ Mach 3 (trên 3.500 km/h), giúp loại bỏ mọi thao tác chống tên lửa của đối phương. Phạm vi tác chiến của tên lửa Starstreak lên tới 7 km về tầm xa và độ cao, lớn hơn hẳn mọi loại MANPADS hiện nay.
Tổ hợp phòng không này cũng khác thường ở nguyên tắc dẫn đường khi sử dụng phương thức bám chùm tia laser, có tác dụng vô hiệu hóa mọi thủ thuật gây nhiễu thông qua mồi bẫy hay khí tài "làm lóa mắt" đầu dò tên lửa mà các máy bay chiến đấu cũng như trực thăng Nga đang sử dụng.
Một thiết bị ngắm tích hợp công nghệ ảnh nhiệt mạnh có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu, tức là bản thân tổ hợp không phát ra bất cứ bức xạ gì, điều này làm phức tạp thêm việc phát hiện của đối phương.
Những mũi tên nằm trong đầu đạn Starstreak đủ độ linh hoạt để phá hủy mục tiêu có độ cơ động cao với khả năng chịu quá tải ở mức 9G.