"Tiêm kích Su-35 của Nga có khả năng cạnh tranh ngang bằng với các máy bay chiến đấu hiện đại khác do phương Tây chế tạo và nó sẽ duy trì khả năng này trong tương lai gần", tờ National Interest (NI) nhận xét.
Su-35 xuất hiện vào đầu những năm 2000, được xếp vào thế hệ 4++ do ứng dụng một số công nghệ của tiêm kích thế hệ 5, điển hình như radar và hệ thống động cơ đẩy mới nhất.
"Hệ thống radar của Su-35 đặc biệt ấn tượng vì nó có thể phát hiện máy bay ở cách xa tới 350 km. Một cựu chỉ huy NATO cho biết ngay cả tiêm kích F-35 cũng sẽ phải rút lui do khả năng siêu cơ động của Su-35", tờ NI nhấn mạnh.
Khả năng chuyên chở của Su-35 cũng khá ấn tượng khi mang được tới 12 tên lửa, nhiều hơn 4 tên lửa so với F-22. Vũ khí đáng gờm nhất là 4 tên lửa R-37M, có tốc độ Mach 6 và bắn trúng mục tiêu ở cự ly lên tới 400 km. Nếu kẻ địch ở gần, phi công sẽ sử dụng pháo tự động Gryazev-Shipunov GSh-301 30 mm.
"Trọng tải vũ khí kết hợp với tốc độ và khả năng siêu cơ động có thể là lý do tại sao Ukraine đã yêu cầu những máy bay tiên tiến hơn so với loại F-16 mà họ mới bắt đầu nhận. Theo một phát ngôn viên của Không quân Ukraine, 'F-16 cổ điển' không phù hợp đấu với Su-35”, tờ báo Mỹ lưu ý.
Su-35 còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibiny-M, khiến tên lửa đối phương gặp khó khăn khi tiếp cận. Vì vậy nếu máy bay bị phát hiện từ xa, hệ thống phòng thủ của nó kết hợp với tốc độ cao và khả năng cơ động tốt, sẽ cho phép áp sát kẻ tấn công, ngay cả khi đối phương chiếm giữ lợi thế ban đầu.
"Tất cả những điều này sẽ cho phép tiêm kích Su-35 duy trì khả năng cạnh tranh trong tương lai gần", tờ NI kết luận.