Trục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới ra đời

Trục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới ra đời

(GD&TĐ) - Thủ tướng Ấn Độ M. Singh vừa kết thúc chuyến công du quan trọng tới Nhật Bản. Động thái này được coi là góp phần “làm sâu sắc” chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Tại Tokyo, Ấn Độ và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân và đẩy mạnh đầu tư của Nhật Bản vào nền kinh tế mới nổi  - Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến công du Nhật Bản của M.Singh đã vượt xa khỏi khuôn khổ kinh tế. Bằng chứng là mối quan hệ chiến lược giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới thông qua cam kết cùng phối hợp nhằm đảm bảo an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cái bắt tay “xuyên đại dương” của M.Singh và Shinzo Abe
Cái bắt tay “xuyên đại dương” của M.Singh và Shinzo Abe

Ngay sau cái bắt tay mà giới phân tích gọi là “vượt dãy Himalaya” của Thủ tướng Ấn Độ M.Singh và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn chưa kịp… nguội, ông M.Singh đã tức tốc lên đường sang Nhật Bản. Tại Tokyo, cái bắt tay của M.Singh và Shinzo Abe được gọi là “xuyên đại dương”.

Chuyến đi lẽ ra chỉ gói gọn trong 2 ngày, tuy nhiên, xét ở tầm quan trọng của quan hệ Nhật - Ấn trong giai đoạn hiện nay, M.Sing đã kéo dài chuyến thăm thêm một ngày nữa. Chưa bao giờ vị thế của Ấn Độ và Nhật Bản lại có những nét tương đồng như hiện nay.

Hậu quả của sự “trỗi dậy hòa bình” mang tên Trung Quốc, Bắc Kinh đang tranh giành lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản (Ấn Độ - Ladakh, Nhật Bản - Senkaku). Cũng vì xung đột lãnh thổ mà quan hệ Trung - Nhật xấu đi nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn tại Trung Quốc cảm thấy bất an, muốn rút khỏi thị trường này. Một câu hỏi được đặt ra: Rút khỏi Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật sẽ đi đâu?

Mở rộng đầu tư sang các nước Đông Nam Á ư? Có thể. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là thị trường đầy tiềm năng. Ấn Độ là nước lớn. Dự báo đến năm 2020, dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới. Mặc cho chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ có giảm sút trong thời gian gần đây, nhưng một thị trường tiêu thụ khổng lồ như Ấn Độ là cực kỳ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Vào thời điểm hiện tại, doanh số thương mại Nhật - Ấn không vượt quá 1/20 doanh số thương mại Nhật - Trung. Trở ngại lớn nhất trong chiến lược đầu tư vào Ấn Độ chính là thiếu cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính phức tạp, nạn tham nhũng, hối lộ hoành hành… Tokyo biết rất rõ điều này. Chính vì vậy, trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản của M.Singh lần này, hai bên đã ký kết những hợp đồng kinh tế quan trọng làm cơ sở để các doanh nghiệp Nhật tiến công vào Ấn Độ.

Cụ thể là Nhật thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 4.46 tỷ USD giúp Ấn Độ xây dựng hành lang công nghiệp Chennai-Bangalore và xây dựng tuyến tàu điện ngầm Mumbai. Trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, Nhật dự định đến năm 2020 sẽ xây cho Ấn Độ 18 nhà máy điện hạt nhân với công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ đánh giá cao nhất trong chuyến công du Nhật Bản của M.Sing chính là thoả thuận thành lập “Trục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới”. Báo Economic Times nhận định, Ấn Độ và Nhật Bản đã nâng quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới. Họ “cam kết kề vai sát cánh vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh của mình”.

Trong cuộc đàm đạo chiều 31/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu ẩn ý chống lại tư tưởng bành trướng của Bắc Kinh. Ông Abe cho rằng, hai quốc gia dân chủ (Nhật Bản và Ấn Độ) sẵn sàng “bắt tay nhau chống lại ý đồ làm thay đổi trật tự ở châu Á bằng quân sự”.

Thời gian gần đây, Trung Quốc thường xuyên khoe “cơ bắp” ép các nước có tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, biển Đông phải nhượng bộ. Để đối phó với những diễn biến phức tạp có thể xảy ra, Tokyo và New Delhi nhất trí tổ chức những cuộc tập trận hải quân chung thường xuyên hơn với quy mô lớn hơn.

Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ cùng sản xuất loại máy bay đời mới -  Amphibian có thể cất cánh từ mặt đất và mặt nước để phục vụ cho mục đích quân sự. Như vậy, Nhật Bản đang lôi kéo Ấn Độ vào trục kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á. Cách đây chưa lâu, Tokyo kịch liệt phản đối hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hạt nhân. Giờ mọi chuyện đã khác, Nhật Bản trực tiếp đầu tư vào thị trường điện nguyên tử của Ấn Độ.

Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của Nhật đã làm thay đổi cán cân cuộc đua giành quyền xây dựng các nhà máy điện nguyên tử giữa các cường quốc như Nga, Mỹ, Pháp... ở Ấn Độ.

Như vậy, trục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới đã được hình thành và chắc chắn cái bắt tay “xuyên đại dương” của New Delhi và Tokyo sẽ có những đóng góp tích cực trong việc ổn định tình hình an ninh khu vực, bảo vệ con đường hàng hải quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến công du Tokyo của M.Singh cùng với tuyên bố chung giữa hai Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ làm Bắc Kinh nổi giận. Tờ “Nhân dân nhật báo” bức xúc gọi lãnh đạo Nhật Bản là “những tên trộm vặt”. Bắc Kinh tố cáo Tokyo đang cố tình gây chia rẽ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. “Nhân dân nhật báo” khẳng định, mặc cho có những động thái khiêu khích, Ấn Độ và Trung Quốc đã “giải quyết một cách hoà bình tranh chấp lãnh thổ dọc theo đường kiểm soát của quân đội hai nước ở vùng Ladakh trên dãy Himalaya”. 

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ