Trộm cắp xuyên quốc gia hoành hành trên tàu bay Việt

Trộm cắp trên tàu bay chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, bất chấp nỗ lực của nhiều bên liên quan.

Nhiều hành khách khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc nghi vấn trộm cắp nhưng không có biện pháp ngăn chặn hoặc tố cáo, làm chứng vì sợ phiền hà (Ảnh minh họa)
Nhiều hành khách khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc nghi vấn trộm cắp nhưng không có biện pháp ngăn chặn hoặc tố cáo, làm chứng vì sợ phiền hà (Ảnh minh họa)

Trộm cắp trên tàu bay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, bất chấp nỗ lực của nhiều bên liên quan.

Hàng chục trường hợp trộm cắp trên máy bay

Nhà chức trách hàng không sân bay Tân Sơn Nhất vừa chuyển công an cửa khẩu điều tra xử lý một hành khách tên Yang Guo Liang (quốc tịch Trung Quốc) do bị phát hiện có hành vi lục đồ của một hành khách khác trên chuyến bay từ sân bay Manila (Philippines) về Việt Nam của hãng hàng không Philippines Airlines. Phi hành đoàn phát hiện vụ việc, lập biên bản và bàn giao cho cơ quan chức năng ngay khi máy bay hạ cánh.

Cách đó không lâu, tại CHK quốc tế Nội Bài, nhà chức trách hàng không cũng chuyển một đối tượng người Trung Quốc khác tên Hu Dong Huang có hành vi trộm cắp trên chuyến bay cho Đồn công an sân bay xử lý theo quy định. Được biết, trên chuyến bay VN166 từ Đà Nẵng ra Nội Bài, nam hành khách sinh năm 1985 này đã lấy trộm hơn 40 nghìn yên Nhật của một hành khách khác đi cùng.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị phát hiện có hành vi trộm cắp trên máy bay trong thời gian qua. Số liệu thống kê từ Vietnam Airlines cho thấy, từ đầu năm đến nay, có tới 20 trường hợp khách nước ngoài bị phát hiện có hành vi trộm cắp trên tàu bay của hãng này. Trong khi đó, Vietjet cũng cho hay 6 tháng đầu năm, hãng đã ghi nhận tổng cộng 11 trường hợp liên quan đến các hành vi hoặc có dấu hiệu trộm cắp trên tàu bay.

“Đa số các trường hợp xảy ra trên các chặng bay từ Hồng Kông, Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại”, đại diện Vietjet cho hay.

Đồng quan điểm, phía Vietnam Airlines cho biết, hiện có một loại tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động và mang tính chất xuyên quốc gia (chủ yếu là người Hồ Nam, Hà Nam và Giang Tô của Trung Quốc).

Theo Ủy ban An ninh hàng không thuộc Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), Văn phòng Interpol và cảnh sát sân bay của một số quốc gia khu vực châu Á cũng khẳng định, đây là loại tội phạm có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, tinh vi và tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động. Các đối tượng trộm cắp thường quan sát ngay từ khi làm thủ tục, lợi dụng thời điểm nạn nhân và những người xung quanh đang ngủ, tiếp viên không có mặt để lục lọi, trộm đồ trên máy bay, ở cả khoang hạng thương gia và hạng phổ thông. Các loại vali, túi xách sang trọng, đắt tiền sẽ dễ bị kẻ xấu tấn công hơn do chúng cho rằng, trong đó chứa đồ vật quý giá. Đối tượng trộm cắp thường lựa chọn chuyến bay nội địa Việt Nam và giữa các nước Đông Nam Á - các điểm đến không yêu cầu thị thực khi đi du lịch.

Nhờn luật vì xử lý chưa đủ mạnh tay?

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một hãng hàng không cho hay, hãng đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp an ninh phòng ngừa, ban hành quy trình phòng chống trộm cắp trên chuyến bay và tổ chức tập huấn cho các tổ bay... Tuy nhiên, tình trạng này không những không giảm mà lại đang gia tăng bất thường, gây tâm lý bất an cho hành khách đi tàu bay.

“Nguyên nhân chủ yếu là do công tác xử lý đối tượng trộm cắp chưa đủ mạnh và đảm bảo tính răn đe”, vị này nói và cho hay, thời gian qua, các cơ quan chức năng thường áp dụng biện pháp trục xuất, cấm nhập cảnh Việt Nam đối với các đối tượng đã làm rõ được hành vi trộm cắp và thu giữ được tang vật.

Thực tế, mới có 2 vụ trộm cắp trên máy bay được cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam và xử lý hình sự. Trong đó có vụ Gui Xing Liang bị phạt 3 năm tù giam và Ding Ying Jun bị phạt 8 năm tù giam. Đối với các đối tượng có hành vi lục hành lý, không thu giữ được tang vật, hiện chưa có biện pháp xử lý phù hợp. Trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện biện pháp tạm giam và xử lý hình sự đối với tất cả các đối tượng trộm cắp khi có đủ chứng cứ.

Phía các hãng hàng không cũng cho hay, nhiều hành khách khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc nghi vấn trộm cắp nhưng không có biện pháp ngăn chặn hoặc tố cáo, làm chứng vì sợ phiền hà. Trong khi đó, phòng chống đối tượng trộm cắp, đội ngũ tiếp viên phải đối mặt với nhiều áp lực, vượt quá nhiệm vụ thông thường của tiếp viên, phải theo dõi hành vi trộm cắp trên tàu bay và nguy cơ phát sinh mâu thuẫn với hành khách.

“Cục Hàng không VN cần xem xét, quyết định đưa vào diện cấm bay trên các chuyến bay nội địa và quốc tế của các hãng hàng không khai thác đến Việt Nam đối với các đối tượng trộm cắp trên chuyến bay đã bị phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật nhằm giúp các hãng hàng không triển khai tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng này ngay từ thời điểm bán vé, đặt chỗ và làm thủ tục đi tàu bay”, đại diện hãng hàng không đề xuất.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.