Phần mềm này có thể giúp HS định hướng lựa chọn ngành nghề trong tương lai, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam xung quanh vấn đề này.
Phù hợp với học sinh Việt Nam
- Từ đâu mà ông và các cộng sự có ý tưởng thiết kế phần mềm Tư vấn hướng nghiệp cho HS thông qua phần mềm trắc nghiệm?
- Ý tưởng của nghiên cứu bắt nguồn từ số liệu một nghiên cứu khác của chúng tôi cho thấy, có khoảng 40% HS THPT báo cáo gặp khó khăn lớn trong việc đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề. HS nêu ra những rào cản lớn nhất theo thứ tự gồm: Thiếu thông tin về bản thân; thiếu thông tin về ngành nghề; thiếu thông tin về các bước trong quá trình đưa ra quyết định nghề nghiệp…
Điểm thứ hai, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra việc ứng dụng công nghệ có thể giúp nâng cao kiến thức về nghề nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp có căn cứ, hiệu quả tốt hơn nhiều và có thể phục vụ nhu cầu của số đông một cách hiệu quả. Các ứng dụng cũng được chứng minh hỗ trợ tích cực trong quá trình xử lý thông tin cấp cao để ra quyết định nghề nghiệp chính xác cũng như kết nối với các bên liên quan để tối đa hóa khả năng tìm kiếm cơ hội việc làm.
Thứ ba là, nhiều ứng dụng trên thị trường đang sử dụng các bộ công cụ nước ngoài được chuyển ngữ, chưa qua quá trình thích ứng nên nhóm muốn phát triển một hệ thống với các công cụ tự thiết kế phù hợp với đặc điểm HS Việt Nam.
- Điểm khác biệt của phần mềm này là gì, thưa PGS?
- Hiện tại, ứng dụng này mới được phát triển ở giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, chúng tôi đã xây dựng và thích ứng được 3 công cụ đánh giá là đặc điểm nhân cách theo mô hình 5 nhân tố lớn (Big 5); xu hướng nghề nghiệp theo mô hình lý thuyết của Holland; khó khăn tâm lý của HS trên cơ sở đối sánh với các tiêu chí chẩn đoán của các bảng phân loại bệnh quốc tế như: ICD và DSM.
Điểm đặc biệt là, những công cụ này đã được khảo sát trên mẫu HS Việt Nam để tiến hành các thao tác phân tích nhân tố, độ tin cậy, độ hiệu lực và điểm chuẩn trên nhóm mẫu. Nói cách khác, nó được thiết kế bởi người Việt, cho HS Việt theo các mô hình lý thuyết phổ biến đang được sử dụng trên thế giới. Ứng dụng cũng được phát triển cả trên nền tảng web và nền tảng di động nên rất thuận lợi cho việc sử dụng.
Giúp học sinh định hướng ngành nghề
- Kết quả bước đầu khi triển khai áp dụng sản phẩm này có khả thi không, thưa ông?
- Công cụ đã được thử nghiệm trên khoảng hơn 4.000 HS các trường THPT, cả trên phiên bản web và mobile. Phản hồi của HS sau khi trải nghiệm là giao diện phần mềm thân thiện và tối giản. Trong từng trắc nghiệm, mỗi màn hình là một câu với các phương án lựa chọn, để chuyển tiếp giữa các màn hình, người dùng có hai lựa chọn: Một là, di chuyển theo cách thủ công thông thường. Hai là, lựa chọn cài đặt “chuyển màn hình tự động” ở góc trên bên trái màn hình.
Phần mềm còn cho phép người sử dụng tạo tài khoản cá nhân dựa trên email, điều này giúp bảo mật thông tin và đặc điểm của từng cá nhân. Một điểm thú vị của phần mềm là sự hiện diện của tiểu mục “Lịch sử”. Sau mỗi lần sử dụng, toàn bộ kết quả của người dùng sẽ được lưu lại trong tài khoản kèm theo thời gian thực hiện trắc nghiệm. Như vậy, người dùng có thể tận dụng lịch sử đánh giá để so sánh kết quả giữa các thời điểm khác nhau.
Đặc biệt, đối với cá nhân có khó khăn tâm lý, sau một khoảng thời gian tiếp nhận các can thiệp, trị liệu, kết quả thực hiện trắc nghiệm trước đó và sau này có thể được dùng như là một trong những thước đo đánh giá sự thay đổi của bản thân qua các mốc thời gian. Các chuyên gia tư vấn học đường cũng đã tham gia trải nghiệm ứng dụng và cho rằng, đây là kết quả xử lý ngắn gọn và hữu ích cho công tác tư vấn sâu về lập kế hoạch nghề nghiệp và ra quyết định nghề nghiệp của khách hàng.
- Covid-19 khiến các cơ sở GDĐH phải tạm dừng tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp theo hình thức trực tiếp. Vậy sản phẩm của nhóm nghiên cứu hỗ trợ cho HS trong việc lựa chọn ngành nghề như thế nào?
- Các ứng dụng về công nghệ có thể hỗ trợ các em trong việc tìm hiểu thông tin về bản thân, về ngành nghề dựa trên các lý thuyết khoa học đã được chấp nhận. Đây là bước đầu tiên để giúp các em định hướng lựa chọn ngành nghề trong tương lai căn cứ trên năng lực và sở thích của bản thân.
Kết quả của ứng dụng sẽ giúp các em nhận thức rõ về những công việc mà mình đam mê và yêu thích, những công việc làm giỏi, phù hợp với mong muốn của các em và các tiêu chuẩn về sức khỏe tinh thần cũng như những khó khăn phải đối mặt. Cùng với đó là những công việc mà xã hội tương lai sẽ cần để làm cơ sở đánh giá lựa chọn tối ưu. Nó sẽ đặt nền móng xây dựng lộ trình nghề nghiệp cho các em ngay từ thời điểm này, có thể bắt đầu bằng việc xác định một chương trình giáo dục đào tạo cho tương lai.
- PGS đặt kỳ vọng gì vào sản phẩm của mình?
- Đây mới là giai đoạn đầu tiên, sản phẩm cuối cùng mà nhóm hình dung còn phải thêm các cấu phần nữa gồm: Đánh giá các năng lực như: Tư duy ngôn ngữ, tư duy tri giác, trí nhớ công việc, tốc độ xử lý… Bên cạnh đó, sẽ phải xây dựng được ma trận các mã xu hướng nhân cách, nghề nghiệp, năng lực và kết nối với các đặc điểm họa đồ nghề nghiệp của những ngành nghề mới xuất hiện trong xã hội hiện nay; kết nối với các ngành nghề đào tạo hiện có của các cơ sở giáo dục. Xa hơn là kết nối với các nền tảng “chợ việc làm” đã được xây dựng và phát triển.
- Xin cảm ơn PGS!
“Hiện tại, ứng dụng mới chỉ cung cấp những thông tin thô và vẫn cần sự tham gia của chuyên gia trong giai đoạn tư vấn sâu căn cứ trên các thông tin cá thể hóa. Tuy nhiên, khi những tri thức của chuyên gia đủ nhiều, có thể phát triển khả năng học máy của hệ thống. Lúc đó ứng dụng sẽ có khả năng tư vấn tự động”. - PGS.TS Trần Thành Nam