Thông tin Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương ngày 13/7 quyết định hủy bỏ quyền đại diện pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên và khôi phục lại giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 của công ty này với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khiến dư luận cho rằng ông Vũ đã bị bà Thảo “tước quyền”.
Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của “người đại diện pháp luật” không đồng nghĩa với việc “cầm trịch” tại một công ty.
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật BASICO cho biết, pháp luật không quy định riêng chức năng, nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật riêng biệt, mà nó luôn được gắn liền với các chức danh khác như chủ tịch hay giám đốc. Điều này được quy định trong điều 13, Luật Doanh nghiệp hiện hành.
“Người đại diện pháp luật là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Cá nhân này đại diện cho doanh nghiệp giao tiếp với bên ngoài và quyết định các vấn đề quan trọng như việc tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh, tổ chức nhân sự, quản lý, sử dụng tài khoản, con dấu của doanh nghiệp... Chức danh người đại diện pháp luật có thể là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp.”
Với định nghĩa trên, người đại diện pháp luật chỉ là một ví trí đại diện cho công ty có tư cách để ký, giao dịch và đối ngoại. Cũng theo Luật Doanh nghiệp, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện theo pháp luật được quy định trong điều lệ của công ty, và nếu theo luật hiện hành, một công ty có thể có nhiều người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, HĐQT công ty có thể quy định nhiều nội dung ràng buộc quyền hạn của người đại diện theo pháp luật.
Do đó, việc thay đổi người đại diện pháp luật sẽ không ảnh hưởng quyết định đến hoạt động của công ty, chỉ có HĐQT mới là người có thực quyền, vì HĐQT có quyền bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm người đại diện pháp luật của công ty (chủ tịch hay giám đốc). Thậm chí “có thể thay hàng ngày cũng được” – luật sư Đức phân tích.
HĐQT Cà phê hòa tan Trung Nguyên hiện có 3 thành viên gồm bà Thảo, ông Vũ và đại diện CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) với tỉ lệ nắm giữ vốn lần lượt là 5% - 10% và 85%.
Do người đại diện của Trung Nguyên Group vẫn chưa được làm rõ nên đây vẫn là một vấn đề vướng mắc lớn trong vụ việc. Theo luật sư Trương Thanh Đức, nắm giữ 85% vốn góp tại CTCP cà phê hòa tan Trung Nguyên, nếu đúng ra thì Trung Nguyên Group có quyền quyết định toàn bộ mọi thứ vì có quyền bầu ra 85% thành viên HĐQT và từ đó quyết định ai giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và TGĐ.
Vì thế, thông tin bác bỏ người đại diện theo pháp luật là bác bỏ vai trò quyết định đối với công ty như mọi người đang nói chỉ có giá trị tại một thời điểm ngắn, chứ bản chất không làm thay đổi tình hình. Ai chi phối vốn thì người đấy có quyền quyết định.
ĐHCĐ hoàn toàn có thể bầu ra HĐQT mới và HĐQT mới cũng hoàn toàn có thêr ngồi bầu ra ai là chủ tịch HĐQT, TGĐ, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Như vậy, bản chất vụ việc trên theo luật sư Trương Thanh Đức chỉ là vấn đề thủ tục, chứ nó không đồng nghĩa với việc nhóm người nào bị tước quyền lực, quyền điều hành.
Tuy nhiên, ông Đức cũng bổ sung, với lượng thông tin còn rất hạn chế được công bố, thì những phân tích được đưa ra vì thế đều dựa trên những giả thiết có thể xảy đến. Vì vậy, vẫn cần thêm nhiều thông tin cần thiết để xác định chính xác.