Nuôi ước mơ vào môi trường quân đội
Thủ khoa Bùi Việt An (sinh năm 1989) sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, Sơn La. Sinh ra trong một gia đình không có ai làm về nghệ thuật, nhưng mảnh đất vùng núi Tây Bắc, Sơn La lại là cái nôi về văn hoá đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật cho cô gái trẻ.
Từ nhỏ Bùi Việt An đã thích tham gia các phong trào văn nghệ của Nhà văn hoá tỉnh. Khi thấy anh chị cùng học lần lượt đi thi vào Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội) đã nhen nhóm ước mơ cho cô gái nhỏ.
Đó cũng là niềm ao ước suốt những năm tháng học trò, mong được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, được mặc trên mình bộ quân phục.
Đến năm 13 tuổi, cô giáo dạy múa mà An hay gọi thân mật là bác Sinh đã nói chuyện với gia đình để hướng cho cô trò nhỏ theo học nghệ thuật vì có năng khiếu về múa. Nhận thấy nhiều thế hệ được đào tạo trong môi trường văn hoá nghệ thuật quân đội đều trưởng thành, bố mẹ cô đã đồng ý.
Để thi đỗ vào trường nghệ thuật quân đội thực sự rất khó. Trải qua 2 vòng thi ở tỉnh và 2 vòng thi tại trường, nhờ năng khiếu, đam mê nghệ thuật, Bùi Việt An may mắn vượt qua để được học tại ngôi trường mà mình hằng mơ ước.
Theo cô, đây là bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc sống của bản thân. Thế là cô gái mười mấy tuổi ấy được rèn giũa từ ý thức, tác phong, lối sống, học tập nghiêm túc trong môi trường quân đội với tính kỷ luật cao.
Trải qua hệ trung cấp diễn viên, sau đó Việt An được tuyển thẳng học tiếp lên hệ cao đẳng của trường. Có thể do được học trong môi trường quân đội từ nhỏ nên phong cách học tập của người lính đã ăn sâu vào tiềm thức.
Cô gái trẻ đã luôn luôn phải nỗ lực, vượt qua mọi thử thách. Những tháng ngày miệt mài học văn hoá và cả chuyên ngành nghệ thuật đã trở thành thanh xuân tươi đẹp của cô.
Năm 2007 sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng diễn viên, An đã xin về làm tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Đây là nhà hát quốc gia chuyên về ballet và nhạc giao hưởng. Đây cũng là lứa học sinh đầu tiên của trường quân đội được về làm việc tại nhà hát.
Suốt những năm tháng đó, cô gái trẻ đã không ngừng nỗ lực với đam mê. An hiểu rằng, dù làm bất cứ việc gì, nếu không có đam mê thì khó có được thành công, nhất là với nghệ thuật.
Được rèn luyện từ nhỏ, Bùi Việt An đã học tập bằng sự say mê. Cô tham gia nhiều cuộc thi lớn nhỏ về chuyên ngành múa. Cuộc thi đầu tiên trong đời là năm 2008 đạt giải B tài năng biểu diễn múa toàn quốc.
Sau đó, cô dần được ban lãnh đạo cân nhắc sắp xếp đảm nhiệm các vai diễn viên múa chính và chính thứ trong các vở ballet nổi tiếng như: Gissele, Laventana, Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ… Hành trình hơn chục năm trong nghề, bản thân đã được học tập và làm việc với các chuyên gia về nghệ thuật múa trong nước cũng như nước ngoài.
Cô cũng được đi biểu diễn và tham gia các cuộc thi toàn quốc tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài. Tiêu biểu là Đại hội Văn hoá Pháp Ngữ diễn ra tại Li-Băng 2009 và Bờ Biển Ngà 2017.
Bùi Việt An cũng từng xuất sắc đạt Huy chương Bạc “Liên hoan nghệ thuật Bình Nhưỡng - Triều Tiên năm 2016”. Năm tiếp theo đạt “Huy chương Vàng liên hoan múa quốc tế tại Ninh Bình”. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp biểu diễn múa của cô gái trẻ. Cũng trong năm 2017, Bùi Việt An học tiếp chương trình 4 năm hệ đại học của Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.
Trong khi vừa bảo đảm việc học tập tại trường và công việc cơ quan giao phó, cô đã phải tập trung và trau dồi vào kỹ năng, kỹ thuật chuyên môn. Bởi với môn nghệ thuật múa, phải thường xuyên luyện tập để tăng cường thể lực cũng như kỹ thuật biểu diễn của bản thân.
Bao giọt mồ hôi thấm đẫm trên sàn cùng những chấn thương cũ ở lưng, cổ tái phát. Những vết thương cứ chữa khỏi rồi lại tập tiếp. Thời gian đó cô gái trẻ cảm thấy mình luôn dồi dào năng lượng. Có lẽ đam mê là vũ khí để cô không ngại dấn thân và bước tiếp.
Từ Nghệ sĩ Ưu tú đến thủ khoa tốt nghiệp
Sau hơn mười năm được cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, năm 2018, Bùi Việt An được xét duyệt hồ sơ danh hiệu NSƯT.
Hồ sơ được xét cho những đối tượng có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên, với Xiếc, Múa là 10 năm và đạt một trong các tiêu chí có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng cá nhân; có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia…
Bên cạnh đó là các tiêu chí về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Đến tháng 7/2019, Bùi Việt An chính thức được phong tặng là NSƯT ở tuổi 30.
Đến với ngôi trường quân đội đã từng gắn bó từ năm 13 tuổi cho đến nay, cô gái trẻ luôn thầm cảm ơn môi trường này đã dạy dỗ, rèn luyện để những thế hệ sinh viên ra trường có thể tự tin, tự lập bước vào nghề.
“Học múa là một nghề rất gian khó và nhiều thử thách. Nếu chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ mà cần có cả sự chăm chỉ và khổ luyện, nhiều khi còn phải đánh đổi cả máu và nước mắt. Với nghề múa, chấn thương là chuyện rất bình thường của diễn viên.
Bản thân em cũng từng bị và đã từng nghĩ phải bỏ nghề. Nhưng vì lòng đam mê với nghệ thuật, được sự động viên của bạn bè đồng nghiệp, em đã vượt qua được”, NSƯT Bùi Việt An chia sẻ.
4 năm đại học là quãng thời gian khó quên với nghệ sĩ Bùi Việt An. Những năm cuối vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến trường phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến.
Đặc thù của ngành học là huấn luyện nên phải liên kết hình thức học trực tiếp với tập luyện tập thể thì giáo viên mới đánh giá được khả năng đứng lớp của người học ngành huấn luyện.
Cô và trò thời gian đó đã phải rất nỗ lực cố gắng khắc phục mọi khó khăn để chương trình thi tốt nghiệp phải đạt chất lượng cao nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn trong phòng chống dịch.
“Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, tôi rất vui mừng và tự hào vì bao khó khăn gian khổ cuối cùng mình cũng đã vượt qua được. Giây phút được vinh danh trong lễ tuyên dương các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2021 khiến tôi xúc động, hạnh phúc không kể xiết.
Tôi tự nhủ, bản thân cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa cho nền nghệ thuật múa nước nhà. Bên cạnh đó là nhiệm vụ quan trọng trong việc giảng dạy để tiếp sức truyền lửa cho các thế hệ trẻ măng non tương lai” – nữ thủ khoa chia sẻ.
Bùi Việt An cũng cho biết thêm, với ngành nghệ thuật múa, học thì nhiều nhưng để đứng vững rồi hành nghề thì rất ít. Diễn viên tốt thì chỉ có thể múa được đến tầm 35 - 40 tuổi sau đó phải chuyển sang lĩnh vực khác như huấn luyện, quản lý hay biên đạo.
Hiện tại công việc của cô gái này tiếp tục công tác tại Đoàn Vũ Kịch Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Trước đó, Bùi Việt An là giáo viên chủ nhiệm bộ môn múa và dạy múa tại Trung tâm Nghệ thuật FFC khi tham gia cộng tác.