Học âm nhạc, xong đi bán kẹo
Mặc dù có năng khiếu âm nhạc, nhưng thời thơ ấu, Nishikawa không hề biểu lộ cho thấy sự nghiệp tương lai của anh là một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. “Giống như mọi trẻ em Nhật Bản, tôi đã học kèn harmonica kenban (melodica) ở trường tiểu học. Sau đó, tôi tham gia ban nhạc kèn đồng ở trường THCS và chọn kèn tuba, vì tôi nghĩ đó là một nhạc cụ rất hay”, anh nói.
Thích thú với kèn tuba, Nishikawa nuôi ý tưởng nộp đơn vào đại học âm nhạc. Hiểu biết cơ bản về đàn piano là một trong những yêu cầu đầu vào ở trường này, vì vậy anh bắt đầu học piano trước khi vào trung học phổ thông. Đó là một thời khắc quan trọng trong cuộc đời của anh. “Tôi trở nên say mê đàn piano và bỏ chơi kèn tuba. Tôi dự định chơi piano và mang lại sức sống cho tất cả các bài hát mà tôi thích”.
Nishikawa nhanh chóng gắn bó với piano, say mê tập luyện và trúng tuyển vào Đại học Âm nhạc Osaka khi học xong trung học. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm nhiều công việc bán thời gian và đi du lịch nước ngoài, cuối cùng anh được một công ty sản xuất kẹo truyền thống của Nhật Bản nhận vào làm nhân viên bán hàng ở một cửa hàng bách hóa.
Khi được hỏi: “Tại sao lại là kẹo Nhật Bản khi anh học về âm nhạc?”, Nishikawa trả lời: “Tại sao không? Tôi thích sự ngọt ngào của chúng! Thực ra, chuyện này đến từ sự nổ tung của nền kinh tế bong bóng Nhật Bản. Thành thật mà nói, vào lúc đó tôi cảm thấy may mắn khi có được một công việc toàn thời gian”.
Làm công việc bán hàng nhưng Nishikawa vẫn tập đàn piano trong lúc rảnh rỗi, và thông qua thầy dạy của mình, anh có cơ hội biểu diễn mở đầu cho buổi hòa nhạc của nghệ sĩ piano cổ điển người Mỹ, David Bradshaw và buổi hòa nhạc Osaka của Cosmo Buono vào năm 1999. “Tôi đã suýt khóc khi David tìm gặp tôi ở hậu trường sau buổi biểu diễn. Tôi rất lo lắng vì nghĩ mình đã làm hỏng việc”, Nishikawa nhớ lại, “Nhưng không ngờ ông ấy nói rằng tôi đã làm rất tốt. Ông ấy còn hỏi tôi thực sự muốn làm gì với cuộc sống của mình. Thông qua một phiên dịch, tôi nói rằng tôi muốn trở thành một nghệ sĩ piano giỏi hơn nữa, có thể nói tiếng Anh tốt hơn và có nhiều bạn, thông qua việc biểu diễn trên khắp thế giới. David nói, “Vậy thì tốt nhất là cậu nên đến New York”.
Chơi piano chỉ với 7 ngón tay
Từ tư vấn của Bradshaw, Nishikawa đến New York, Mỹ vào năm 1999 và bắt đầu tạo dựng sự nghiệp âm nhạc cho mình. Với những thành tích đạt được, anh được mời biểu diễn khắp thế giới. Đối với Nishikawa, mỗi cuộc gặp gỡ, trải nghiệm là một cơ hội để phát triển và học hỏi, anh rất thích nói chuyện với mọi người, cũng như thích biểu diễn cho họ xem. Những buổi trình diễn của anh gồm nhiều thể loại nhạc, từ các bản nhạc cổ điển, đến các chủ đề phim, các bài hát dân gian truyền thống Nhật Bản, và anh xen kẽ vào các màn trình diễn những giai thoại và câu chuyện về sự nghiệp của mình trong thời gian đến New York.
Tuy nhiên, vào năm 2002, mọi thứ đã sụp đổ, khi anh được chẩn đoán mắc chứng loạn trương lực cơ (dystonia). Đây là căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, khiến cho một phần cơ thể tê liệt, chuột rút, hoặc tệ hơn là dẫn tới co giật. Với sự phát triển của y học hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp chữa trị. “Lúc đầu, chỉ bàn tay trái của tôi có cảm giác lạ nhưng sau đó cả hai tay tôi đều bị ảnh hưởng”, anh nhớ lại, “Tôi đã mất hoàn toàn khả năng chơi đàn piano”.
Gohei Nishikawa trình diễn tại Steinway Hall, New York |
Sau một thời gian dài tập luyện để hồi phục, bàn tay phải của anh gần như đã trở lại bình thường nhưng ba ngón tay của bàn tay trái vẫn bất động. “Đây chỉ là một vấn đề khi hoạt động ở một số vị trí nhất định. Tôi vẫn có thể sử dụng bàn tay trong cuộc sống hằng ngày, nhưng không còn sử dụng những ngón tay đó để chơi đàn piano được nữa”, anh giải thích.
Khác với một số nhạc cụ khác, piano tập trung vào sự linh hoạt và kết hợp nhuần nhuyễn cả 10 ngón tay. Chỉ với 7 ngón tay có thể cử động được, làm sao chơi piano theo kịp tốc độ và nhịp điệu của bản nhạc.
Cảm thấy cuộc sống của mình không còn như mơ ước, Nishikawa trở nên tuyệt vọng, chán chường. Để mưu sinh, anh phải nhận làm bất kỳ công việc nào có thể, kể cả dọn dẹp trong một cửa hàng tạp hóa. Sau khi nhận dạy piano cho trẻ em mẫu giáo, anh mới nhận thức là mình cần phải thay đổi. “Tôi chơi bản Twinkle, Twinkle, Little Star cho mấy đứa trẻ nghe, chỉ với hai ngón tay trên mỗi bàn tay. Lúc đó, tôi chợt nhận ra rằng, việc “phá vỡ các quy tắc” đối với những ngón tay khi chơi nhạc cũng rất ổn, và tôi có thể làm mọi thứ theo cách của mình”, anh nói.
Tìm ra được con đường phía trước, Nishikawa bắt đầu chỉnh sửa cây đàn piano, và vào năm 2008, tại Ý, anh đã biểu diễn chuyên nghiệp lần đầu tiên kể từ khi mắc bệnh và được khán giả hoan nghênh. Để có thể đạt đến trình độ như vậy là cả một quá trình khổ luyện, hy sinh vì đam mê của người nghệ sĩ tài năng. “Nếu người ta bỏ ra 5 tiếng luyện tập, tôi sẽ phải dành 10 tiếng”, Nishikawa nói.
Đồng cảm với người khuyết tật
Hiện nay, Nishikawa là người ủng hộ nhiệt thành của Quỹ Bachmann-Strauss Dystonia & Parkinson (BSDPF) có trụ sở tại Mỹ và rất trân trọng người sáng lập, Bonnie Strauss, như là một nhà từ thiện có tâm. Anh hy vọng sẽ khuyến khích các bệnh nhân dystonia khác vượt qua khó khăn, thông qua các hoạt động của mình. Vào năm 2014, BSDPF đã hợp tác với Quỹ Michael J. Fox nghiên cứu về Parkinson để giúp đỡ bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Vào tháng 12 năm 2016, Nishikawa đã thực hiện ước mơ từ lâu là được biểu diễn tại Hội trường chính Carnegie Hall ở New York. Buổi biểu diễn có sự kết hợp với Harmony For Peace Foundation, một tổ chức phi chính phủ sử dụng nghệ thuật như một cách để đoàn kết mọi người và truyền bá thông điệp toàn cầu về hòa bình và hữu nghị. Nishikawa đã biểu diễn bản Winter, tác phẩm được sáng tác bởi một thiếu niên tên Liam Picker ở Saint Louis, Missouri.
Là nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc trẻ tài năng đúng nghĩa nhưng Liam Picker đã phải vật lộn với bệnh tâm thần trong nhiều năm. Và thật đáng buồn, anh đã tự kết liễu đời mình vào năm 2015, khi chỉ mới 18 tuổi. Ngoài âm nhạc, chàng trai trẻ cũng quan tâm đến văn hóa Nhật Bản, mặc dù anh chưa bao giờ đến thăm xứ sở hoa anh đào lần nào. Với hy vọng giữ được di sản của con mình, mẹ của Picker, bà Lisa, đã tìm đến Tomoko Torii, người sáng lập và giám đốc hiện tại của Harmony For Peace Foundation, đưa ra các tác phẩm gốc của con trai mình cho Quỹ tùy nghi sử dụng. Và Nishikawa đã chọn bản Winter để trình diễn trong buổi hòa nhạc Giáng sinh được tổ chức hằng năm.
Trước đó, anh đã bay từ New York đến Missouri gặp cha mẹ của Picker. Nishikawa đồng cảm với nỗi đau mất mát của họ, vì cha anh cũng đã tự kết liễu cuộc đời mình sau một giai đoạn dài bị trầm cảm. “Tôi muốn có được cái nhìn sâu sắc về con trai của họ, cuộc sống và bản chất của anh ta”, Nish Nishikawa nói, “Cha mẹ và người thân của Liam sau đó đã đến New York để xem buổi biểu diễn. Tôi đã chơi bản Winter với một bức ảnh Liam đặt trang trọng trên cây đàn piano”.
Nishikawa đã tổ chức cho cha mẹ của Picker đến Nhật Bản, khi Winter được chọn làm nhạc nền cho bộ phim Shiori. Do Yusuke Sakakibara đạo diễn, phim kể về một nhà trị liệu vật lý và những tương tác của anh ta với bệnh nhân trong bệnh viện. Nishikawa không chỉ thực hiện nhạc phẩm này cho bộ phim, anh còn chơi nó trong một chiến dịch quảng cáo rộng khắp gần đây cho Tập đoàn Panasonic. “Tôi cố gắng tìm cách giúp giảm bớt nỗi đau của gia đình anh ấy”, Nishikawa nói, “Nhưng cuối cùng, chính âm nhạc của anh ấy đã giúp tôi rất nhiều”.