Trở ngại nào khi đi du học với sinh viên Sri Lanka?

GD&TĐ - Do khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao và bất ổn chính trị, ngày càng nhiều sinh viên Sri Lanka đi du học kể từ đầu năm nay.

Học sinh Sri Lanka trong lớp.
Học sinh Sri Lanka trong lớp.

Theo các tổ chức tư vấn du học, luồng sinh viên ra nước ngoài dự kiến sẽ tăng hơn nữa.

Xuất ngoại vì bất ổn trong nước

Ngoài sinh viên, những người làm nghề bác sĩ, y tá, nhà khoa học và chuyên gia CNTT cũng đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, năm nay đã có hơn 150 nghìn người Sri Lanka ra nước ngoài làm việc. Trong khi đó, tổng số người ra nước ngoài năm ngoái chỉ có 117.952 người.

Nhiều sinh viên cho biết, họ muốn ra nước ngoài vì tương lai thị trường việc làm trong nước bất ổn và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực trầm trọng và chưa biết khi nào mới thoát ra được.

Nữ sinh Ashi Adhikari của một trường đại học tư thục ở Nugegoda, ngoại ô Colombo, nói rằng rất khó tìm việc làm trong tương lai. Hầu hết bạn bè cô đều có kế hoạch di cư, vì vậy sau khi hoàn thành bằng đại học, cô cũng muốn ra nước ngoài để học cao hơn.

Theo Cục Điều tra dân số và Thống kê, lạm phát của Sri Lanka đạt mức cao kỷ lục 66,7% trong tháng 7. Theo chỉ số giá tiêu dùng quốc gia, lạm phát thực phẩm đã tăng lên 82,5%. Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Sri Lanka được xếp vào danh sách có lạm phát giá lương thực cao thứ 5 trên toàn cầu.

Những người trẻ Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Điều tra Lực lượng Lao động của Cục Điều tra Dân số và Thống kê nước này, trong quý đầu năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 19,2% - cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.

Vinura Perera là người từng học tại một trường đại học tư ở Homagama, cách Colombo 24 km và đang làm việc trong lĩnh vực CNTT. Anh đã hy vọng được ra nước ngoài từ rất lâu, kể cả trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - chính trị.

Vinura Perera nằm trong số nhiều chuyên gia lành nghề đang tìm cách ra đi trong tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra. Nhưng điều này không dễ dàng.

Anh cho biết đã cố gắng từ năm 2019 nhưng không có kế hoạch di cư bằng thị thực sinh viên, mà theo diện tay nghề hoặc thị thực làm việc. Anh nói rằng, mình không có đủ tiền và đối với việc di cư có tay nghề cao, sự cạnh tranh khắc nghiệt. Tuy nhiên, anh muốn cải thiện cuộc sống và muốn định cư ở một quốc gia phát triển như Canada, Úc, New Zealand hoặc Pháp và có được thường trú nhân.

Giám đốc truyền thông Amrith Weerasekera của Trung tâm hướng nghiệp Campus Direct ở Colombo chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ cho sinh viên muốn du học ở nước ngoài cho biết đã nhận thấy số sinh viên muốn du học tăng lên. Theo dữ liệu của Campus Direct, hầu hết sinh viên nộp đơn học ở Vương quốc Anh, tiếp theo là Úc và Canada.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên di cư đến các quốc gia khác cũng đang tăng lên, đa số quan tâm đến việc lấy bằng các ngành CNTT, thương mại, điều dưỡng, giảng dạy, tâm lý học và luật.

Triển vọng việc làm trong nước mờ mịt nên nhiều sinh viên Sri Lanka muốn đi du học.

Triển vọng việc làm trong nước mờ mịt nên nhiều sinh viên Sri Lanka muốn đi du học.

Những rào cản khó khăn

Mặc dù mong muốn đi du học, nhưng cuộc khủng hoảng ngoại hối hiện nay ở Sri Lanka đã khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn. Sinh viên Charith Karunaratne muốn du học ở Anh cho biết: “Tôi đã sẵn sàng cho việc đi du học nhưng không thể thanh toán học phí ban đầu của khóa học. Vì vậy, tôi không thể đăng ký cho kỳ nhập học tháng 9. Bây giờ, tôi đang cố gắng cho khóa học tháng 1 năm sau”.

Charith Karunaratne thông tin thêm, mình đang cố gắng đến một quốc gia khác bởi vì ở đây, nhiều người đang tiêu nhiều tiền hơn mức lương nhận được do lạm phát. Một vài tháng trước, lệ phí kỳ thi IELTS là khoảng 100 USD và bây giờ đã tăng lên 140 USD.

Ông Weerasekera lưu ý, có một số trường đại học đang tạm thời hạn chế nhận sinh viên Sri Lanka vì sinh viên không trả được học phí do các vấn đề ngoại hối. Theo ông, các trường như Đại học Huddersfield và Đại học South Wales sẽ tiếp tục nhận sinh viên Sri Lanka trở lại trong tương lai gần. Cả 2 trường này được cho là đã hoãn nhận sinh viên Sri lanka trong ít nhất 6 tháng do vấn đề thanh toán. Việc lấy được thị thực làm việc sau khi học xong cũng là lý do khiến nhiều người muốn du học ở Anh.

Cuộc khủng hoảng ngoại hối của Sri Lanka khiến chính phủ hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước, sự suy giảm giá trị của đồng tiền Sri Lanka và lạm phát tràn lan đã khiến sinh viên Sri Lanka muốn du học gặp khó khăn về tài chính. Nó cũng dẫn đến việc họ phải phụ thuộc vào thu nhập có được khi đang học tập tại các nước sở tại và sau khi tốt nghiệp với diện visa làm việc.

Trang trải cuộc sống trong khi học tập cũng là một thách thức. Một người bị mất việc trong đại dịch Covid-19 cho biết gặp nhiều khó khăn để nuôi 2 con ở Sri Lanka. Do đó, anh đã bán nhà để cả gia đình di cư đến Anh.

Khi nhu cầu ra nước ngoài của nhiều người tăng lên, đã có những vụ gian lận liên quan cấp hộ chiếu, thị thực và lời mời làm việc giả mạo, khiến cảnh sát phải khuyến cáo công chúng nên thận trọng. Các nỗ lực xâm nhập bất hợp pháp vào các quốc gia khác thông qua các tuyến đường biển cũng gia tăng. Cho đến nay, hơn 1.100 người đã bị cảnh sát và hải quân Sri Lanka bắt giữ vì cố gắng di cư bất hợp pháp qua đường biển.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Australia đã trao trả 183 công dân Sri Lanka cố gắng di cư bất hợp pháp từ tháng 5/2022. Họ nói rằng không có chỗ cho việc di cư bất hợp pháp đến Australia bằng đường biển và đã kêu gọi người Sri Lanka không tham gia vào các chuyến đi như vậy hoặc dính líu đến những kẻ buôn người.

Theo Bộ Di trú và Nhập cư, Sri Lanka đã cấp gần 600 nghìn hộ chiếu trong năm nay, trong khi năm ngoái con số này khoảng 382 nghìn - tăng 63%. Hiện bộ đang cấp khoảng 3 nghìn hộ chiếu mỗi ngày, so với con số 1 nghìn của năm ngoái.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.