Sri Lanka mở cửa trường học sau một tháng đóng cửa vì khủng hoảng nhiên liệu

GD&TĐ -Bộ Giáo dục Sri Lanka cho biết, các trường phổ thông công lập và tư thục trên cả nước đã mở cửa trở lại từ ngày 25/7 sau khi đóng cửa gần một tháng do tình trạng thiếu nhiên liệu.

Phụ huynh Sri Lanka đưa con tới trường bằng xe đạp ngày 25/7 do thiếu nhiên liệu.
Phụ huynh Sri Lanka đưa con tới trường bằng xe đạp ngày 25/7 do thiếu nhiên liệu.

Tuy nhiên, các trường học Sri Lanka chỉ hoạt động ba ngày một tuần vào thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm. Học sinh học trực tuyến vào các ngày còn lại.

Học kỳ đầu tiên của năm học 2022 – 2023 sẽ kết thúc vào ngày 7/9. Thời gian tổ chức học kỳ thứ hai và thứ ba sẽ được thông báo sau.

Bộ Giáo dục Sri Lanka yêu cầu các trường không tổ chức kiểm tra vào cuối học kỳ đầu tiên và sử dụng phương pháp đánh giá học sinh thay thế. Giáo viên cần nhận diện những vướng mắc, khó khăn của học sinh trong thời gian nghỉ học và kịp thời trang bị kiến thức cho các em.

Vào ngày thứ Bảy hàng tuần, các trường sẽ rà soát lại hoạt động trong tuần, điều chỉnh khối lượng bài học lẫn nội dung giảng dạy cho tuần sau.

Tuy nhiên, theo văn phòng giáo dục các tỉnh miền Nam Sri Lanka, các trường công lập dưới sự quản lý của chính quyền địa phương sẽ dạy trực tiếp tất cả các ngày trong tuần.

Hiệp hội Doanh nghiệp xe bus tư nhân Sri Lanka cho biết, mặc dù tình trạng thiếu nhiên liệu vẫn xảy ra trên toàn quốc, số xe bus đưa đón học sinh trong ngày 25/7 vẫn được điều động đủ. Trước đó, trong 2 ngày 23, 24/7, hiệp hội đã kêu gọi và thu mua nguồn nhiên liệu phục vụ cho việc đưa đón học sinh Sri Lanka vào thứ Hai đầu tuần.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Đưa đón trẻ em toàn quốc, Malshree Siva, ngày đầu tiên trẻ đi học lại, việc đưa đón diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Các xe bus được tiếp nhiên liệu thông qua Kho vận tải Sri Lanka (SLTB).

Bộ trưởng Giáo dục Susil Premajayantha thông tin, trong ngày đầu tiên, khoảng 40 nghìn xe bus đưa đón học sinh đã hoạt động trên toàn quốc, ngay cả trong vùng sâu, vùng xa. Nhiều phụ huynh và giáo viên, hiệu trưởng các trường cũng hỗ trợ đưa đón học sinh để các em có thể tựu trường đúng thời gian.

Trước đó, từ ngày 4/7, Bộ Giáo dục thông báo các trường phổ thông Sri Lanka trên toàn quốc sẽ đóng cửa do nước này đối mặt với khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục Sri Lanka, chính quyền các địa phương nhận thấy tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh các trường phổ thông đi học rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu phương tiện giao thông, không có sẵn nhiên liệu cho các phương tiện giao thông công cộng và phương tiện cá nhân.

Không chỉ các trường phổ thông, nhiều trường đại học tại Sri Lanka đã đóng cửa và chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Đơn cử, Trường Đại học Peradeniya, trường công lập lớn nhất Sri Lanka, thông báo đóng cửa vô thời hạn từ cuối tháng 6. Theo sau là hai trường ĐH Rajarata và ĐH Nghệ thuật và Biểu diễn Colombo.

Các trường chuyển sang dạy trực tuyến nhưng vấp phải sự phản đối từ liên đoàn giảng viên, sinh viên các trường đại học. Ông Shyam Banneheka, Chủ tịch Liên đoàn các trường đại học sư phạm Sri Lanka (FUTA) nhận định, các nhà chức trách nên ưu tiên giáo dục và thực hiện các hành động cần thiết hỗ trợ ngành Giáo dục trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay.

Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 5,7 triệu người, trong đó có 2,3 triệu trẻ em ở Sri Lanka cần được hỗ trợ nhân đạo. Sri Lanka nằm trong tốp 10 quốc gia có số trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất và con số này dự kiến tiếp tục tăng lên.

Theo The Hindu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.