Trò lươn lẹo

GD&TĐ - Chuyện ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng sàm sỡ một bé gái trong thang máy tại TPHCM hồi đầu tháng 4 này cứ ngỡ sẽ bị “chôn vùi” vào quá khứ khi nhiều sự kiện khác diễn ra dồn dập trong mấy ngày qua. Thế nhưng, công luận nào dễ “cho qua” hành động được cho là mất nết kia của ông cựu Viện Phó VKSND! Vì sao? Vì sự việc đã gọi sai tên, hay nói đúng hơn là sự thật đang có chiều hướng bị bóp méo.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đám đông, trong một thời điểm nào đó có thể đã “mạnh tay” khi phán xét nhưng luôn công bằng trong đánh giá một khi sự việc được bạch hóa. Ai cũng biết trong tiếng Việt, “nựng” là một khái niệm yêu thương. Nhưng trong trường hợp “hôn trong thang máy” ấy, khái niệm yêu thương nọ đã bị ông Linh lợi dụng để đánh tráo hành vi sàm sỡ của mình.

Ông Linh có thể lấp liếm tội lỗi bằng việc “đánh tráo” ấy nếu đám đông người dân chỉ “nghe nói”, nhưng thật xui rủi, tất cả hình ảnh camera ghi lại đã tố cáo trò lươn lẹo kia của ông. Chuyện đã qua gần 10 ngày nhưng vẫn chưa “nguội” là vì lí do “đánh tráo” này. Bêu riếu ông Linh trên báo chí và mạng xã hội vẫn chưa thấy hả dạ, đám đông đã làm những việc “quá đáng” hơn là viết khẩu hiệu tố cáo trên cổng và ném đồ bẩn vào nhà vị cựu quan chức ngành kiểm sát này.

Công luận chỉ có thể hạ nhiệt khi sự việc được gọi đúng tên. Trong trường hợp này là “sàm sỡ” chứ không phải “nựng”. Còn tội trạng dành cho “sàm sỡ” thì do luật pháp quyết định chứ công luận không làm thay luật được. Công luận chỉ yêu cầu sự việc phải được gọi đúng như những gì nó đã diễn ra. Thế thôi!

Chắc mọi người còn nhớ vụ “gạt tay trúng má” xảy ra trên cầu Nhật Tân giữa anh công an làm nhiệm vụ với một nhà báo cũng đang “làm nhiệm vụ” cách đây không lâu. Cái gọi là “gạt tay trúng má” cũng là một trò uốn dẻo với chữ nghĩa mà thôi. Làm gì có chuyện anh công an gạt tay nhưng lại trúng vào má của anh nhà báo? Lừa trẻ con như thế thì chúng còn nghe chứ nói với công luận mà còn lấp liếm như vậy, chả còn ra thể thống gì cả.

Vụ việc ấy chỉ có thể hạ nhiệt khi cơ quan chủ quản của anh công an “gạt tay” kia thừa nhận anh ta đã “vi phạm Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ”. Ngay từ đầu mà thừa nhận “đánh nhà báo” thì từ điển tiếng Việt sẽ không bổ sung thêm một cụm từ kỳ cục là “gạt tay trúng má” nọ đâu.

Khái niệm có thể đổi, thậm chí đánh tráo nhưng bản chất vụ việc thì sẽ không qua mắt được nhân dân. Từ “thu phí” chuyển sang “thu giá” của Bộ Giao thông - Vận tải hồi năm rồi là một ví dụ. Bản chất sự việc phải được chỉ mặt gọi tên đúng như nó có thì sẽ không có sự phẫn nộ từ đám đông.

Một xã hội văn minh không bao giờ dung chứa những trò lươn lẹo. Đánh tráo khái niệm là một trong những trò lươn lẹo ấy vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ