Ảnh hưởng từ học tập, giao tiếp trực tuyến
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công- Hà Nội) cho biết: Khảo sát 834 học sinh tại thành phố Hà Nội và 726 học sinh tại tỉnh Hưng Yên (Bệnh viện Nhi TW tiến hành năm 2019) cho thấy, ti lệ trầm cảm ở học sinh tại Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%;
Tỉ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỉ lệ trẻ stress (căng thẳng thần kinh) tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với cách đây 3 năm.
Trong đó, 15-17% trẻ được người nhà đưa đến khám do trước đó có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, dễ cáu giận, buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, không tiếp xúc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 20% trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm thần thì 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc rối loạn tâm thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở vị thành niên, trong đó, rối loạn tăng động, giảm chú ý chiếm 14%; rối loạn cảm xúc chiếm 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm 9%.
Như vậy, tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, đặc biệt là trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng.
Cũng có thể thấy, nổi loạn, căng thẳng, trầm cảm, stress… tuổi dậy thì là cụm từ chung chỉ các rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên cho các trạng thái thay đổi tâm lý thất thường, khí sắc buồn chán, tức giận vô cớ, mất hứng thú với cuộc sống, cảm xúc tiêu cực.
TS Vũ Việt Anh cho rằng những biểu hiện này kéo dài, thường xuyên sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng trong việc phát triển toàn diện của trẻ. Từ tâm trạng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực sẽ dẫn tới mất khả năng kiểm soát cảm xúc, suy giảm chất lượng học tập, mất cân bằng trong cuộc sống.
“Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này như: sự thay đổi hormone, biến đổi về cơ thể, áp lực học tập, cuộc sống, các biến cố trong gia đình, xã hội… Song nguyên nhân lớn phải kể đến là ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm học sinh không thể đến trường học tập và phải thay đổi học tập, sinh hoạt trong một thời gian dài…” - TS Vũ Việt Anh nói.
Hàng ngày, học sinh phải học trực tuyến từ 3-4h đồng hồ, việc lặp đi lặp lại gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu sự tương tác, đa dạng trong cuộc sống.
Thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài giao lưu trực tiếp, áp lực về thời gian, quá tải trong học tập… dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí.
Trong khi đó, ở tuổi phát triển, học sinh cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm của bạn thân. Nhưng học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị triệt tiêu và thay vào là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác 1 chiều. Học sinh không được chủ động quyết định được cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực của mình.
Với trạng thái tâm lý này các em rất nhạy cảm với lời chê, góp ý từ người lớn. Đặc biệt một số em mắc phải căn bệnh trầm cảm còn có cảm xúc bị xúc phạm khi cha mẹ hoặc người thân phê bình, chỉ trích và sẽ phản kháng lại bằng cơn giận dữ, bực tức.
Tình trạng này kéo dài sẽ khiến các em cảm thấy bản thân không còn giá trị, mất dần tự tin hoặc tiêu cực hơn tìm cách giải thoát tiêu cực khỏi tình trạng hiện tại.
Do đó, sớm đưa học sinh trở lại trường học tập trực tiếp vừa là quyền lợi của vừa giúp các em phát triển toàn diện, loại trừ tác động tâm lý, tinh thần… sau khi trải qua một thời gian dài học tập trực tuyến.
Học sinh không thể học mãi tại nhà
Từ nghiên cứu thực tế tâm lý học sinh, TS Vũ Việt Anh khẳng đinh, trở lại trường học vô cùng cần thiết khi đã đảm bảo các điều kiện cơ bản an toàn phòng chống dịch và trong bối cảnh học sinh một số địa phương học trực tuyến quá lâu.
Bởi ngoài kiến thức học sinh cần được phát triển toàn diện về thể lực, thể chất và quan hệ xã hội. Mỗi học sinh đều là một cá thể của xã hội, các em cần được giao tiếp xã hội, tránh “thu mình” trong không gian hẹp quá lâu. Điều đó sẽ dẫn tới những tác động, ảnh hưởng lâu dài đến tâm sinh lý học trò.
TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh, đưa học sinh sớm quay trở lại trường rất cần thiết nhưng các nhà trường, gia đình, bố mẹ phải hết sức lưu ý rèn luyện cho các em về kĩ năng an toàn phòng, chống dịch theo quy định;
Cần đảm bảo môi trường học tập, bán trú an toàn nhất; Xây dựng kế hoạch ứng phó, phòng chống dịch, dạy học trong bối cảnh dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn để tránh bị động, tác động đến học sinh.
Mặt khác, khi học sinh bước sang môi trường, hình thức học tập, thay đổi thói quen sinh hoạt, phương thức, nền nếp, giờ giấc sinh hoạt mới thì nhà trường, thầy cô cần cho các em khoảng thời gian phù hợp để thích nghi.
“Quan trọng nhất ở thời điểm đầu trở lại trường là bổ sung kiến thức bị thiếu hụt, rèn học sinh trở lại thói quen thông thường… chứ không nên áp đặt nhiều về thành tích học tập.
Chỉ khi nào học sinh có sự thích nghi, hòa nhập môi trường học tập mới thì khi đó mới đáp ứng được yêu cầu và có sự phát triển…”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.
Theo TS Vũ Việt Anh: Không có dịch Covid-19 thì sẽ có dịch khác. Quan trọng là tìm và có giải pháp phù hợp, an toàn cho sức khỏe, dạy học sinh kĩ năng sinh tồn như một điều bắt buộc.
Không thể mãi vì dịch bệnh, ngại chưa an toàn (trong khi các điều kiện đã được nhà trường cơ bản đảm bảo) mà để trẻ học tại nhà. Như vậy, trẻ không thể phát triển toàn diện, thậm chí “tàn lụi” năng lực, khả năng bản thân.