Thiết bị da cảm biến điện tử siêu mỏng có thể dán trên da. Ảnh: IFW |
Thiết bị cảm biến mới hoạt động tương tự như cách các vi khuẩn, côn trùng và thậm chí cả các động vật có xương sống như chim và cá mập phát hiện ra từ trường để định hướng và di chuyển. Trong khi đó, con người không thể cảm nhận được từ trường một cách tự nhiên.
Tiến sĩ Denys Makarov và các cộng sự đến từ Viện Các khoa học nano tổng hợp Đức (IFW) đã phát triển một loại da điện tử có hệ thống cảm biến từ trường, trang bị cho người sử dụng "giác quan thứ 6" đáng mơ ước, giúp họ có thể cảm nhận được sự hiện diện của cả từ trường tĩnh và động.
Da cảm biến nhẹ đến mức chúng có thể nổi trên bong bóng xà phòng. Ảnh: IFW |
Theo nhóm sáng chế, da cảm biến điện tử chỉ dày không tới 2 micromét (1 micromét = 0,001mm) và nặng chỉ 3gram/m2. Chúng thậm chí có thể nổi trên bong bóng xà phòng.
Loại cảm biến mới này cũng chống chịu được việc uốn cong cực điểm trong phạm vi không đầy 3 micromét và vẫn nguyên vẹn tính năng sau khi bị vò nhàu như một tờ giấy. Với khả năng chống đỡ linh hoạt như một một dây cao su, chúng có thể được kéo giãn tới hơn 270% và hơn 1.000 vòng mà không bị tổn hại gì.
Sau khi bị vò nhàu như tờ giấy, da cảm biến vẫn còn nguyên vẹn và không mất đi tính năng ưu việt ban đầu. Ảnh: IFW |
"Các cảm biến điện tử siêu mỏng với tính năng kỹ thuật tinh nhạy khác thường rất lý tưởng để mặc, dán trên người. Nó cũng kín đáo và không bị phát hiện cho các hoạt động hỗ trợ điều hướng và thao túng. Nó có thể dẫn tới sự ra đời của một loại da nhạy cảm với từ trường không nhìn thấy được, giúp phát hiện đối tượng kề cận, tìm đường và kiểm soát không cần đụng chạm", giáo sư Oliver G. Schmidt, giám đốc viện IFW, cho biết.
Các nhà nghiên cứu hy vọng, họ có thể sử dụng thiết bị cảm biến mới cho hoạt động điều hướng của con người, ứng dụng chế tạo robot và các thiết bị điện tử, cũng như phục vụ hoạt động giám sát an toàn và chăm sóc sức khỏe.