Trịnh Công Sơn đích thị là bậc thầy về phép tu từ ẩn dụ

GD&TĐ - Trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, Trịnh Công Sơn hiện lên như vì sao sáng giữa bầu trời tinh tú nơi muôn ngàn triệu âm thanh đang ca hát đắm say.

Diễn viên Phương Thanh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1983. Ảnh: INT.
Diễn viên Phương Thanh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1983. Ảnh: INT.

Lí giải nguyên nhân cho một hiện tượng nghệ thuật nào cũng là điều không dễ, với Trịnh, điều ấy càng khó hơn bội phần.

Bởi trong ông là hằng hà những phẩm chất để làm nên một tên tuổi lớn với nền âm nhạc đất nước trong thế kỷ XX.

Phép tu từ nghệ thuật

Viết về Trịnh Công Sơn, có lẽ đã có hàng ngàn bài báo, hàng chục đầu sách sáng giá trong và ngoài nước.

Người hâm mộ ông không chỉ có thính giả Việt Nam mà còn có người Nhật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc...

Nghĩa là ông đã vượt khỏi tầm vóc quốc gia, tên tuổi đã bay xa khắp năm châu bốn biển.

Chúng ta, những người con đất Việt, thêm lần nữa có thêm một tên tuổi để tự hào, yêu quý và tôn vinh.

Bao nhiêu năm nghêu ngao hát Trịnh, nghe nhạc Trịnh, đọc ca từ của Trịnh với tư cách là những tác phẩm thơ độc đáo, tôi nhận thấy rằng, cái làm nên nét đặc sắc ở ông một phần lớn nhờ vào các tu từ nghệ thuật, trong đó có phép ẩn dụ.

Ẩn dụ là phép tu từ nghệ thuật thường được sử dụng trong văn chương như một so sánh ngầm nhờ sự liên tưởng đột xuất nào đó của tác giả khi cảm thấy có sự tương đồng giữa hai đối tượng trên một nét ngữ nghĩa.

Nếu so sánh thuần túy, hai đối tượng cùng xuất hiện trên bề mặt văn bản; thì ngược lại, ẩn dụ tu từ lại khuất đi một, nghĩa là cái được biểu đạt không xuất hiện, chỉ đề cập cái biểu đạt mà thôi.

Giữa hai đối tượng này càng xa nhau về bản chất, khác nhau về đặc tính nhưng lại được nghệ sĩ kéo lại gần khi phát hiện một sự tương đồng thú vị nào đó thì càng hấp dẫn và lôi cuốn hơn.

Sự sáng tạo, hơn người, trở thành phù thủy của ngôn ngữ hay không chính là chỗ đó.

Tôi nghĩ, trên bình diện nghệ thuật ca từ của nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn đã thực sự xuất sắc trong sáng tạo này.

Khơi gợi chan chứa cảm xúc

Tôi nhớ một câu nói đại ý rằng, mỗi lần xuất hiện một nghệ sĩ lớn thì thế giới lại được tạo lập thêm một lần nữa.

Thế giới được tạo lập mới này được nhìn nhận và chiêm cảm thông qua tài năng mà người nghệ sĩ ấy xây đắp.

Với Trịnh, ẩn dụ trong ca từ làm cho cuộc đời đẹp hơn, tình yêu đẹp hơn và ngay cả nỗi đau cũng dịu dàng, mơn trớn hơn:

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ

Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa

(Tình xa)

Người tình là “những dòng sông nhỏ” nghe thật thi vị trong cảm xúc.

Những dòng sông ấy bắt đầu từ những cơn mưa tụ về, để rồi khi lời thề bay đi đã mang theo những cơn mưa trôi vào vĩnh cửu.

Tình yêu bất chợt cô đơn giữa trời đất rộng, hóa thành “mái tình ta” lắng nghe nhịp mưa thao thiết nhớ thương về:

Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa

Tình réo, tình âm thầm

Sầu réo sầu bên bờ vực sâu

(Tình xa)

“Những giọt mưa” ở đây được ẩn dụ cho những giọt tình triền miên đau khổ mà người nghệ sĩ suốt đời nghe sầu réo trên mái tình đổ vỡ.

“Bờ vực sâu” hay cõi đau thương của kiếp người vẫn cận kề khi nhìn những cuộc tình phôi pha.

Ca từ trong nhạc phẩm họ Trịnh huyền hồ, ẩn dụ nên khi hát lên nghe cứ thấp thoáng sương khói liêu trai.

Có khi, phép ẩn dụ được Trịnh Công Sơn sử dụng như một phép so sánh thuần túy nhưng giàu tính hình tượng hơn, tạo được hiệu ứng nghệ thuật khá mạnh.

Nhờ đó, ngôn ngữ trong các tác phẩm âm nhạc của ông tài hoa và lão luyện, phảng phất ý vị mơ hồ không dễ nắm bắt.

Viết về vẻ đẹp người con gái giữa phố vắng chiều đông, Trịnh Công Sơn sử dụng cụm từ “đốm lửa hồng” thật khơi gợi và giàu cảm xúc.

Đó là vẻ đẹp đã thăng hoa thành ánh sáng, thành sự ấm nồng để cứu cánh nhân sinh trong cuộc kiếm tìm và niềm khát khao bỏng cháy:

Ngoài phố mùa đông

Đôi môi em là đốm lửa hồng

(Ru đời đi nhé)

Đặc biệt, để diễn tả nỗi buồn cô quạnh của thân phận người phụ nữ, trong rất nhiều ca khúc của mình, Trịnh Công Sơn đã mượn dòng nước mắt để ẩn dụ cho cõi lòng bi ai héo hắt.

Hãy khóc đi em là nhạc phẩm mà từ giai điệu đến ca từ đều buồn thương da diết, càng nghe càng xa xót không nguôi:

Hãy khóc, hãy khóc đi em

Dòng nước mắt sẽ bay trong trời

Làm cơn mưa ướt trên chăn gối

Lời cỏ cây hát trên da người

(Hãy khóc đi em)

Dòng nước mắt đã bay vào trong trời đất, cất tiếng kêu thương trên đỉnh ngàn năm.

Nó hóa thân thành cơn mưa rũ rượi một ngày buồn lăn dài trên gối, cũng có khi thành lời cỏ cây hát trên phận người. 

Phải nói rằng, sức sống âm nhạc của Trịnh Công Sơn có được nhờ vào kiểu ca từ rất “phù thủy” này, nó sẵn sàng hớp hồn bất kỳ ai, dẫn dụ qua ta trùng trùng liên tưởng để rồi đắm say, chất ngất không yên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Phù thủy” xử dụng ngôn từ

Viết về tình yêu, Trịnh Công Sơn có nhiều kiểu liên tưởng rất lạ. Dù hạnh phúc hay khổ đau cũng được ông nhìn qua một cái nhìn ảo diệu của ngôn ngữ.

Các phép tu từ nghệ thuật nhờ thế được phát huy tác dụng tối đa nhờ sự tài hoa của Trịnh, nhất là phép ẩn dụ đã làm cho ca từ âm nhạc trở nên sang trọng, phiêu diêu hơn:

Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn

Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm

Khi về trong mùa đông, tay rong rêu 

muộn màng

Thôi chờ những rạng đông

(Ru ta ngậm ngùi)

Nghệ thuật ẩn dụ trong ca từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường kết hợp một cách khá nhuần nhuyễn với các phép tu từ khác như so sánh, hoán dụ, nhân hóa...

Chính tính kép trong nghệ thuật biểu đạt ngôn ngữ khá độc đáo này mà mỗi lời ca của ông được phả vào đó muôn ngàn lớp khói sương huyền hoặc, khơi gợi nhiều cách hiểu, cách cảm khác nhau tùy theo kiến thức và sự trải nghiệm của mỗi người.

Vì vậy, thưởng thức nhạc Trịnh đâu chỉ có tầng lớp trí thức, ngay cả giới bình dân họ cũng có cách chiếm lĩnh riêng, mê đắm riêng trong lĩnh vực ca từ.

Ví như những lời ca sau đây, ta thấy có cả so sánh qua từ “như”, nhân hóa qua cách cảm của tác giả về tâm hồn, và cả ẩn dụ nữa khi suy tưởng về từ “lũng sâu” trong sự tương đồng với nỗi niềm tuyệt vọng:

Tình yêu như thương áo

Quen hơi ngọt ngào

Rời nhau hôm nào

Hồn mình như vá khâu

Buồn mình như lũng sâu...

(Tình sầu)

Trên đây là mấy nét chấm phá còn rất khiêm nhường trong một chừng mực am hiểu có hạn về nghệ thuật ẩn dụ trong ca từ nhạc phẩm họ Trịnh.

Từ một số ít ca khúc đã từng lắng nghe, chiêm cảm, tôi nhận thấy rằng, chính vẻ đẹp nghệ thuật trong cách sử dụng phép tu từ ẩn dụ đã đưa Trịnh Công Sơn trở thành một “phù thủy” trong ca từ âm nhạc.

Có lẽ vậy chăng mà tìm hiểu qua hành trình sáng tạo của ông, bản thân tôi như được cảm nhận thêm một thế giới mới được lập ra - thế giới của đời sống nhiều đa đoan, trắc ẩn, buồn thương nhưng cũng tràn đầy vẻ đẹp nhân văn, yêu ái tình người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.