Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám vào quỹ đạo

GD&TĐ - Triều Tiên ngày hôm nay (22/11) tuyên bố họ đã phóng thành công một vệ tinh do thám vào quỹ đạo.

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 trên tên lửa Chollima-1 loại mới vào quỹ đạo từ bãi phóng Tongchang-ri, tỉnh Bắc Pyongan, ngày 21/11/2023
Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám Malligyong-1 trên tên lửa Chollima-1 loại mới vào quỹ đạo từ bãi phóng Tongchang-ri, tỉnh Bắc Pyongan, ngày 21/11/2023

“Tên lửa 'Chollima-1' bay bình thường dọc theo đường bay định sẵn và đưa vệ tinh trinh sát 'Malligyong-1' lên quỹ đạo một cách chính xác vào lúc 22 giờ 54 phút sau khi phóng từ bãi phóng ở Tongchang-ri trên bờ biển phía tây", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA sáng ngày hôm nay (22/11) đưa tin cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quan sát vụ phóng tại địa điểm này, và chúc mừng các quan chức, nhà khoa học và kỹ thuật viên nước này sau khi vụ phóng thành công.

Thành công của vụ phóng này diễn ra sau hai lần phóng thất bại trước đó lần lượt vào tháng 5 và tháng 8/2023 của Bình Nhưỡng.

Hoạt động trên của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng, Moscow có thể đã cung cấp cho Bình Nhưỡng công nghệ quân sự để đổi lấy việc Triều Tiên cung cấp thiết bị quân sự và đạn dược để sử dụng trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trong khi chờ phân tích chi tiết về vụ phóng, Hàn Quốc và Mỹ chưa xác nhận liệu vụ phóng có thành công hay không, nhưng họ lên án đây là hành vi vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cấm bất kỳ cuộc thử nghiệm nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Đáp lại vụ phóng, Seoul cho biết, họ sẽ nối lại các hoạt động trinh sát và giám sát xung quanh biên giới liên Triều khi tuyên bố sẽ thực hiện các bước để đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 nhằm giảm căng thẳng biên giới và ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình.

Theo KCNA, Triều Tiên bảo vệ vụ phóng mới nhất là quyền "hợp pháp" của mình để tăng cường "khả năng tự vệ", và tuyên bố sẽ phóng thêm một số vệ tinh do thám "trong một khoảng thời gian ngắn".

“Vụ phóng sẽ đóng góp đáng kể vào việc tăng cường chắc chắn khả năng sẵn sàng chiến tranh của các lực lượng vũ trang Triều Tiên”, KCNA cho biết.

Một quan chức Seoul cho rằng, vụ phóng mới nhất của Triều Tiên có thể coi là thành công thực sự khi "vệ tinh bay vòng quanh trái đất trên quỹ đạo nhiều lần".

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, họ đang tiến hành phân tích toàn diện về các chi tiết cụ thể của tên lửa, đồng thời cam kết Seoul và Washington sẽ duy trì thế trận phòng thủ “mạnh mẽ”.

Seoul và Washington đã bày tỏ quan ngại về việc Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng vệ tinh do thám với sự hỗ trợ công nghệ từ Nga sau hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9/2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 19/11 rằng, Triều Tiên được cho là đã khắc phục được các vấn đề về động cơ trong vệ tinh của mình với sự hỗ trợ của Nga.

Vệ tinh gián điệp quân sự là một trong những vũ khí công nghệ cao mà Triều Tiên tuyên bố sẽ phát triển để tăng cường khả năng phòng thủ, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Được biết, vụ phóng hôm 21/11 diễn ra vài giờ sau khi tàu sân bay USS Carl Vinson của hải quân Mỹ đến căn cứ hải quân ở thành phố Busan phía đông nam.

Theo Yonhap News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.