Xe khách giường nằm chuyên chạy đêm thường xuyên tăng cường ghế phụ trái với quy định |
(GD&TĐ) - Mươi năm trở lại đây, dịch vụ xe khách đêm (trong đó phần lớn có giường nằm) phát triển rất nhanh do mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách như đường vắng xe chạy nhanh tiết kiệm thời gian, khách chỉ cần ngủ một giấc là tới nơi…
Tuy nhiên khi mà hành khách phó thác tính mạng cho những chuyến xe đêm nhiều tiện lợi này thì cũng có rất nhiều ẩn họa nếu hoạt động của loại hình xe khách đêm không được kiểm soát chặt chẽ…
Nguy cơ tai nạn nhãn tiền
Vi phạm phổ biến nhất của xe khách đêm là nhồi nhét khách. Ở thời điểm xuất bến, xe chở đúng số người qui định nhưng chỉ cần ra khỏi khu vực nội thành thì xe bắt đầu rà đón khách lẻ bên đường. Những khách đi giường nằm có kinh nghiệm luôn mua vé giường nằm tầng hai để tránh phải “chung đụng”.
Lượng khách lẻ đón thêm được bố trí nằm rải dọc lối đi giữa hai hàng ghế nằm tầng một. Những vị khách không vé này là dân đi “chui” chuyên nghiệp nên lên xe là thoải mái dọn chỗ nằm sát sạt với hành khách có vé. Khổ cho nhiều chị em phát hoảng vì nửa đêm nửa hôm lù lù một ông khách râu ria lởm chởm bê chăn nằm sát bên cạnh mình.
Thế là túi xách, ví tiền thì ôm chặt vào bụng, rồi nằm co ro ép sát vào thành xe phòng nửa đêm vị khách “đồng hành” ngủ mơ mà gác chân gác tay sang.
Trong khi hành khách say giấc nồng, họ khó để ý xe đang lao đi với tốc độ nào. Do điều kiện chạy đêm đường vắng, cảnh sát giao thông ít tuần tra, nên cánh lái xe thường xả ga quá tốc độ qui định. Người dân tại các cung đường này hoảng sợ gọi những chiếc xe chạy với tốc độ như điên này là “tàu bay đất”.
Nếu như những tuyến đường như Hà Nội – Huế điều kiện đường sá không phức tạp thì nhiều tuyến đường ngược lên miền núi phía Bắc với độ dốc cao và nhiều khúc cua có độ nguy hiểm cao hơn.
Các cung đường có nhiều xe giường nằm hoạt động vào ban đêm nhất là Hà Nội – Lào Cai theo quốc lộ 70, Hà Nội – Sơn La - Điện Biên theo quốc lộ 6, quốc lộ 32, Hà Nội – Cao Bằng theo quốc lộ 3… - mỗi ngày có hàng trăm chuyến chạy, tuyến này chở hàng ngàn lượt hành khách.
Nguy cơ tai nạn xe khách đêm đã không chỉ là cảnh báo mà gần đây liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn có hậu quả thảm khốc. Điển hình như vụ xe khách lao xuống vực ở Lào Cai làm 7 người chết, hay xe lao xuống suối ở Yên Bái làm 1 người chết, xe lao xuống vực ở Nghệ An…
Siết an toàn từ người cầm lái
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, 90% tai nạn xe khách liên quan đến xe khách giường nằm – mà theo Cục Đăng kiểm cho biết thì đa số tai nạn xe khách giường nằm là do lỗi của lái xe.
Lái xe khách đường dài, chịu áp lực của chủ xe muốn quay vòng xe nhanh trong khi giảm thiểu chi lương cho nhiều tài xế, thường phải lái xe trong thời gian dài không nghỉ dẫn đến thiếu minh mẫn và tỉnh táo trong xử lí. Trong trường hợp gây tai nạn họ cũng là nạn nhân đáng thương do lòng tham của chủ kinh doanh dịch vụ xe khách.
Nhằm xử lí tận gốc vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản về tăng cường quản lí xe khách giường nằm và xe khách chạy đêm gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; các Vụ: Khoa học - Công nghệ, An toàn giao thông; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô – trong đó qui định rõ xe có hành trình chạy liên tục 4 tiếng trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí đảm bảo mỗi lái xe chỉ lái liên tục tối đa 4 tiếng sau đó phải thay ca cho lái xe khác (thời điểm tính từ 8 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau). Sở Giao thông các tỉnh được giao kiểm tra việc bố trí lái xe chạy đêm qua thiết bị giám sát hành trình…
Bên cạnh vấn đề giám sát chặt chẽ lái xe, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách khảo sát kĩ các tuyến đường để sử dụng xe giường nằm phù hợp, đặc biệt các tuyến đường đèo dốc, quanh co, có tầm nhìn hạn chế…
Giới hạn tốc độ với xe khách đêm cũng được đặt ra. Bộ Giao thông yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy định về giới hạn tốc độ của xe khách giường nằm và các phương tiện khác chạy ban đêm để thực hiện trước 30/11.
Điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện này cũng được Cục Đăng kiểm rà soát, cơ quan này cũng đưa ra quy định về kiểm định, an toàn kỹ thuật khi lưu thông đối với xe giường nằm, đặc biệt đối với xe hoán cải, cải tạo từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm…
Hà Anh