Truyện tranh Việt vẫn lép vế trước… truyện ngoại

GD&TĐ - Được đánh giá có bước cải thiện khi đa dạng hóa tác phẩm truyện tranh Việt Nam, song thị trường vẫn nghiêng về hướng nhập khẩu là chính.

Buổi ra mắt bộ truyện tranh Việt 'Bí ẩn Ozon'.
Buổi ra mắt bộ truyện tranh Việt 'Bí ẩn Ozon'.

Thị trường thiên về truyện ngoại

Dù luôn có chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa, nhưng truyện tranh Việt vừa thiếu vừa yếu nên việc nhập khẩu truyện ngoại không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là cách để các nhà xuất bản giữ chân khách hàng.

Chờ đợi tác phẩm “made in Việt Nam” chất lượng để lấp đầy khoảng trống vẫn là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại sự luẩn quẩn và bế tắc từ “nguồn vốn truyện Việt” đang khiến truyện nhập ngoại chiếm thế thượng phong.

Năm 2023 đánh dấu thời điểm thành công nhất của thị trường truyện tranh thế giới, khi hàng loạt tác phẩm được chuyển thể thành công trên phim. Đặc biệt là phim “One Piece” chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản (manga) cùng tên.

Tạp chí Forbes đánh giá đây là bộ phim truyền hình dài tập hiếm hoi của Netflix cán mốc 10.000 lượt đánh giá tích cực từ khán giả trên trang Rotten Tomatoes (mức chấm 95%) chỉ sau vài ngày ra mắt.

Trên IMDB, bộ phim nhận mức chấm 8,5/10 từ tổng cộng hơn 38.000 lượt đánh giá. Tại Việt Nam, bộ phim chiếm thế áp đảo trên các trang mạng xã hội cũng như tại các diễn đàn điện ảnh. Tác phẩm hiện đứng đầu bảng xếp hạng các chương trình truyền hình ăn khách nhất trên Netflix tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Giới chuyên môn đánh giá, phiên bản người đóng của “One Piece” được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhờ trung thành nguyên tác, nước phim đẹp và diễn xuất hoàn hảo. Thành công của phim góp phần phá vỡ định kiến của khán giả về sự yếu kém của các phim chuyển thể từ truyện tranh.

“One Piece” kể về Luffy và các thuyền viên. Khi còn nhỏ, Luffy ước mơ trở thành Vua Hải Tặc. Cuộc sống thay đổi khi cậu vô tình có được sức mạnh có thể co dãn như cao su, nhưng đổi lại không bao giờ có thể bơi được nữa.

Luffy cùng những người bạn hải tặc ra khơi tìm kiếm kho báu vĩ đại One Piece. Mỗi nhân vật mang một cá tính độc đáo kết hợp với các tình huống kịch tính, lối dẫn truyện hấp dẫn chứa đầy các bất ngờ, hài hước đã biến “One Piece” thành một trong những bộ truyện nổi tiếng không thể bỏ qua.

Xem người lại ngẫm đến ta, không phải Việt Nam không có tác phẩm truyện tranh chất lượng. Tuy nhiên để có sự bùng nổ như “One Piece” thì gần như là câu chuyện của tương lai, bởi hiện tại những hạn chế về ý tưởng, cách dẫn truyện và phương pháp tạo hình truyện tranh vẫn là câu chuyện chưa có lối thoát.

Một số tác phẩm quen thuộc với thiếu nhi, như: Thần đồng đất Việt, Tý Quậy, Chiêu Hoàng Kỷ, Truyện ma sau 6 giờ, Yêu quái nhỏ vận áo tấc xanh, Bad Luck, Mèo Mốc, Ếch Ộp… dù có lượng phát hành khá, song không đủ lực hấp dẫn để lấy lại cán cân trên thị trường truyện tranh.

Trong khi chờ đợi các tác phẩm có sức hút lớn, các nhà xuất bản vẫn nhập truyện tranh ngoại để giữ khách. Đơn cử, mới đây nhà xuất bản Kim Đồng thông báo trọn bộ 2 tập “Tạm biệt thầy phù thuỷ” và “Chú thuật hồi chiến Vol. 20” (2 ấn bản) sẽ đến với bạn đọc vào ngày 29/12, hay “Frieren – Pháp sư tiên táng” bắt đầu từ 29/1/2024…

Kỳ vọng vào tương lai

Thị trường truyện tranh tại Việt Nam vẫn nghiêng về truyện nhập ngoại.

Thị trường truyện tranh tại Việt Nam vẫn nghiêng về truyện nhập ngoại.

Không còn là câu chuyện mới, song làm sao để truyện tranh Việt bớt lép vế trước truyện ngoại nhập vẫn là bài toàn khó. Sau mỗi cuôc hội thảo, toạ đàm bàn giải pháp thì truyện ngoại nhập vẫn chiếm thế thượng phong.

Trong khi ngành công nghiệp truyện tranh toàn cầu trị giá 15,5 tỉ USD vào năm 2022, và ước đạt gần 27 tỉ USD vào năm 2023 được các nước chia nhau, thì chúng ta gần như giậm chân tại chỗ.

Cùng xu hướng điện ảnh hóa tác phẩm truyện tranh, hàng loạt bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh đang được thế giới tận dụng và trở thành cơ hội lớn của ngành công nghiệp không khói lại doanh thu tỉ đô. Ở Việt Nam, việc chuyển thể đã hiếm, việc xuất khẩu sản phẩm điện ảnh truyện tranh còn hiếm hơn.

Bởi vậy, trong năm 2022, cuộc thi sáng tác truyện tranh Comink ở Việt Nam được phát động. Charlie Nguyễn – người đồng sáng lập Comink nói với báo giới rằng, ở Việt Nam người ta có thể đầu tư hàng tỉ đồng cho một bộ phim nhưng không ai đầu tư cho truyện tranh vì chưa nhận ra tiềm năng. Vì vậy trong ngành công nghiệp giải trí, ngoài làm phim nên nghĩ đến làm truyện tranh nếu có đề tài tốt. Nếu có đơn vị đầu tư số tiền lớn như làm phim để làm truyện tranh thì truyện tranh Việt Nam sẽ khởi sắc.

Song song với việc nhập truyện ngoại, mới đây Nhà xuất bản Kim Đồng thông báo ấn hành bộ truyện tranh Việt “Bí ẩn Ozon”, một niềm hy vọng mới cho nền truyện tranh thuần Việt, với câu chuyện, nhân vật Việt và do các tác giả Việt Nam sáng tạo.

Bộ truyện là dự án của nhóm tác giả gồm kiến trúc sư Tuấn Anh, bình luận viên thể thao Anh Quân và đội ngũ họa sĩ của Taqua. Bộ truyện kể về một hành tinh trong dải ngân hà mang tên Ozon. Hành tinh Ozon có vương quốc Zendy - thánh địa pháp thuật của cả hành tinh.

Vương quốc Zendy có hai hoàng tử Bono và Tuno với tính cách trái ngược nhau, và cùng đều đang trong hành trình rèn giũa phép thuật, học hỏi và khám phá thế giới. Bỗng một ngày, Vùng Đất Tối xuất hiện, đe dọa tới an nguy của vương quốc Zendy. Và lúc này, những người hùng xuất hiện…

Câu chuyện mang tính sáng tạo, xoay quanh 5 nhân vật là 5 cậu bé, đại diện cho những tính cách tiêu biểu nhất của trẻ nhỏ, dẫn dắt độc giả nhí đi vào thế giới của sự tưởng tượng đầy kỳ thú. Kiến trúc sư Tuấn Anh cho biết, nhóm mong muốn đem đến cho độc giả một thế giới tưởng tượng như trong giấc mơ, gắn với những bài học về lòng dũng cảm, sự kiên trì và niềm tin vào những điều tốt đẹp được gửi gắm trong hành trình giải cứu hành tinh Ozon của hai hoàng tử Bono và Tuno.

Kỳ vọng vào tương lai truyện tranh Việt, một số dự án trung dung – vừa hướng ngoại lại tính chất nội địa cũng được tiến hành. Trong số đó có “Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa” do Nhã Nam Workshop minh họa sách tranh thiếu nhi tiến hành cùng Nhà xuất bản Simon & Schuster nhằm giúp các họa sĩ Việt Nam tự tin hơn và hỗ trợ bồi dưỡng một lớp họa sĩ mới đầy tài năng, không chỉ vẽ minh họa mà còn có thể kể chuyện, tự tay làm ra những tác phẩm truyện tranh ấn tượng, được xuất bản không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới.

“Chúng tôi tin rằng nghệ thuật và câu chuyện nguyên bản của Việt Nam cũng rất quan trọng. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của mình để tạo ra cho những câu chuyện và nghệ thuật mới này một nền tảng để được lắng nghe. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm những phương pháp khác để phát triển tốt nhất các tài năng nghệ thuật và kể chuyện Việt Nam”, ông Paul Brenner - đồng sáng lập cuộc thi Comink.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ