Giáo viên cần phải nghiên cứu kĩ sách hướng dẫn giáo viên
Nhấn mạnh sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 1 không thể tách rời sách hướng dẫn giáo viên tổ chức thực hiện, PGS Đinh Thị Kim Thoa cho biết: Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 1 được biên soạn mong muốn giới thiệu đến học sinh, giáo viên và bạn đọc quan tâm đến đổi mới hoạt động giáo dục học sinh trong nhà trường.
Lần đầu tiên, hoạt động giáo dục học sinh được biên soạn tài liệu giáo khoa làm phương tiện tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh lớp 1 theo định hướng hình thành từng hành vi cụ thể, từ đó góp phần phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông đặt ra.
Là một hoạt động lần đầu tiên có tài liệu hướng dẫn thực hiện một cách khoa học nên giáo viên cần phải nghiên cứu kĩ sách hướng dẫn giáo viên.
“Nếu giáo viên có thói quen chỉ dựa trên sách học sinh rồi tự nghĩ ra hoạt động thì có thể gặp nguy cơ là không đạt mục tiêu đặt ra.
Các thầy cô sẽ thấy trong bộ sách này, sách giáo viên hướng dẫn các hoạt động làm bộc lộ và phát triển kĩ năng của học sinh. Những gì trong sách học sinh chỉ là sự chuẩn bị kinh nghiệm của học sinh để các em có thể tham gia tích cực và hiệu quả hơn ở trên lớp để rèn luyện kĩ năng cho chính mình” – PGS Đinh Thị Kim Thoa lưu ý.
Cũng theo PGS Đinh Thị Kim Thoa, bộ sách được thiết kế giúp giáo viên thực hiện chương trình theo mô hình lớp học đảo ngược từ góc độ của hoạt động giáo dục, thể hiện ở chỗ:
Sách học sinh giúp các em cách tự học, tự rèn luyện trước khi đến lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên trước đó.
Vở bài tập giúp học sinh tương tác với sách một cách lý thú và hiệu quả. Vở bài tập còn trở thành minh chứng và sản phẩm của hồ sơ đánh giá kết quả hoạt động của học sinh.
Sách giáo viên hỗ trợ giáo viên tổ chức hoạt động theo tiếp cận phát triển năng lực sau khi học sinh đã được chuẩn bị. Sách giáo viên được trình bày như một kế hoạch tổ chức hoạt động giúp giáo viên có thể hình dung rõ nét con đường hình thành và phát triển năng lực.
Cần thực hiện đầy đủ các pha của chu trình trải nghiệm
Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1 được biên soạn bám sát với chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT ban hành với thời lượng 105 tiết và được thực hiện trong 3 loại hình bắt buộc: Sinh hoạt dưới cờ (1 tiết/tuần); Sinh hoạt lớp (1 tiết/tuần); Hoạt động trải nghiệm thường xuyên theo chủ đề (1 tiết/tuần).
Hoạt động giáo dục theo chủ đề được tổ chức định kì 1-2 lần/học kì và hoạt động câu lạc bộ sử dụng thời gian buổi 2/ngày và ngoài giờ lên lớp. Nội dung sách được viết theo chủ đề, mỗi chủ đề được thực hiện từ 3 – 4 tiết.
9 chủ đề trải nghiệm thường xuyên hướng tới 3 mạch nội dung: hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội và hoạt động hướng đến tự nhiên. Các chủ đề này tích hợp một số nội dung giáo dục của Sao nhi đồng và giáo dục địa phương.
Bên cạnh 9 chủ đề thường xuyên, sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm còn chỉ ra những kỹ năng học sinh có thể phát triển và rèn luyện trong những không gian khác như trong giờ sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp.
PGS Đinh Thị Kim Thoa cho biết, các chủ đề trong sách giáo khoa được biên soạn dựa theo chu trình trải nghiệm khoa học của David Kolb, cụ thể:
Khám phá – Kết nối kinh nghiệm: tạo hứng thú, khai thác vốn kinh nghiệm đã có của học sinh liên quan đến chủ đề.
Rèn luyện kĩ năng: hướng dẫn học sinh thực hiện các hành vi liên quan đến kĩ năng cần hình thành
Vận dụng – mở rộng: đặt học sinh vào các tình huống khác nhau trong cuộc sống để thể hiện các hành vi học được.
Tự đánh giá: học sinh tự đánh giá về một số hành vi mà mình đạt được theo mục tiêu.
Mỗi pha của chu trình được phân biệt bởi màu của logo trải nghiệm. Đôi bàn tay màu vàng là pha khám phá – kết nối kinh nghiệm; màu xanh là pha rèn luyện kỹ năng; màu tím là pha vận dụng – mở rộng và màu đỏ là pha tự đánh giá.
“Các thầy cô chỉ cần nhìn màu của logo là biết mình đang thực hiện pha nào của chu trình và cần thực hiện trọn vẹn các hoạt động khác nhau của các pha trong chu trình” – PGS Đinh Thị Kim Thoa lưu ý.
Luôn khai thác nội dung các hình vẽ làm chất liệu của hoạt động
Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm được trình bày bằng những hình ảnh đặc tả nội dung. Bản thân tranh chứa đựng nội dung hoạt động, học sinh học qua quan sát tranh và thực hành theo hướng dẫn qua tranh. Đặc biệt với sách cho học sinh tiểu học, kênh hình chiếm ưu thế và kênh chữ vừa đủ để học sinh tập đọc và có thể thực hiện dưới sự hướng dẫn thêm của người lớn. Do đó, PGS Đinh Kim Thoa cho rằng, giáo viên cần luôn khai thác nội dung các hình vẽ làm chất liệu của hoạt động.
“Ngoài ra, thầy cô cũng lưu ý, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt bộ sách là giáo dục cá biệt hoá và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ trong hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên thực hiện được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm theo sự sáng tạo của riêng mình” – PGS Đinh Thị Kim Thoa chia sẻ thêm.