Thông tư 22 đã giải tỏa những băn khoăn trong đánh giá HS tiểu học

GD&TĐ - Từ năm học 2016 – 2017, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định đánh giá HS tiểu học kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT. 

Đánh giá, khen thưởng HS ở cấp tiểu học là để động viên, khích lệ sự tiến bộ của các em, giúp các em tự tin, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện
Đánh giá, khen thưởng HS ở cấp tiểu học là để động viên, khích lệ sự tiến bộ của các em, giúp các em tự tin, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện

Không chỉ giảm gánh nặng cho giáo viên, những quy định từ Thông tư 22 còn giúp phụ huynh nhận biết năng lực của con em mình một cách rõ ràng hơn. Sau một năm triển khai, Thông tư đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh HS trên cả nước. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT), để làm rõ hơn về vấn đề này.

Những điểm ưu việt đáng ghi nhận

Trước hết, xin ông cho biết khái quát về kết quả triển khai cách đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 22 sau một năm học tại các cơ sở GD tiểu học trên cả nước?

Thông tư 22 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học. Vì vậy, cách đánh giá HS trước đã có nhiều điểm tích cực và hoàn thiện hơn. Cho đến nay, qua báo cáo và quá trình theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy hầu hết giáo viên đã được tập huấn về đánh giá HS Thông tư 22 và đã có những phản hồi tích cực. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Thông tư 22 đã khắc phục được những bất cập trong quá trình giáo viên thực hiện đánh giá HS, đồng thời cũng phát huy được những ưu điểm trong quá trình đổi mới đánh giá HS.

Thông qua đổi mới cách đánh giá HS, giáo viên đã giúp cho HS tự tin hơn, có động lực hơn qua những lời hướng dẫn, động viên khích lệ của giáo viên. Việc đánh giá đã không còn để xếp thứ, xếp hạng, các em không còn áp lực thành tích nên có hứng thú hơn trong học tập. Bên cạnh đó, giáo viên cũng không còn áp lực về văn bản giấy tờ. Việc ghi sổ (học bạ và bảng tổng hợp) cũng đã được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể. Giáo viên đã quan tâm hơn đến việc phối hợp với phụ huynh để cùng GD cho các em.

Ông có thể nói rõ hơn những điểm tích cực của Thông tư 22 đã được chứng minh và ghi nhận trên thực tế sau một năm học triển khai?

Nhằm khắc phục những bất cập xuất hiện trong quá trình triển khai đánh giá HS tiểu học trước đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 30, trong đó có một số điểm đổi mới đáng lưu ý dưới đây:

Về đánh giá định kì, tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên, giáo viên tổng hợp “lượng hóa” thành các mức: “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành”, “Chưa hoàn thành” đối với từng môn học và hoạt động GD; “Tốt”, “Đạt”, “Cần cố gắng” đối với từng năng lực, phẩm chất. Việc tổng hợp đánh giá như vậy nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ HS xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của các em. Nhận xét về năng lực, phẩm chất HS cũng cụ thể hơn sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên sẽ có những biện pháp giúp HS khắc phục khó khăn trong học tập, rèn luyện để vươn lên và ngày một tiến bộ hơn.

Về đề bài kiểm tra định kỳ, gồm các câu hỏi, bài tập được điều chỉnh, thiết kế theo 4 mức, thay vì 3 mức như trước đây, để đo chính xác và tường minh mức độ nhận thức của HS. Theo đó, mức 1 là nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học; mức 2 là hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân; mức 3 là biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; mức 4 là vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.

Về hồ sơ đánh giá, Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá HS chỉ còn 2 loại: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá GD của lớp và học bạ, thay vì có 5 loại như trước đây. Đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá HS. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho giáo viên theo dõi sự tiến bộ của HS, ghi những lưu ý với HS có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội để nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Khen thưởng để khích lệ HS

Kết thúc năm học 2016 – 2017, dư luận cũng đặt ra vấn đề rằng, không rõ vì sao mỗi HS lại có những hình thức khen thưởng khác nhau vậy, cha mẹ không hiểu học lực hay kết quả cụ thể của con mình khi nhìn vào nội dung giấy khen. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?

Thông tư 22 có những điều chỉnh trong nội dung khen thưởng cuối năm học. Cụ thể, việc khen HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện bao gồm: Kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên; Khen HS có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Như vậy, tinh thần đổi mới, nhân văn của Thông tư 30 vẫn được tiếp tục kế thừa trong các quy định về khen thưởng trong Thông tư 22 (khen thưởng các HS tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá); đồng thời và quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng HS hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Quy định về khen thưởng HS đã cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong việc thực hiện, trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho HS, cha mẹ HS và khắc phục được bệnh thành tích trong GD.

Mục đích của việc khen thưởng HS ở cấp tiểu học là để động viên, khích lệ sự tiến bộ của các em, giúp các em tự tin, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện; không phải nhằm so sánh, xếp hạng giữa các HS. Mỗi HS có các năng lực, sở trường khác nhau, do vậy việc khen thưởng, khích lệ ở một hoặc một số môn học, hoạt động GD hoặc năng lực, phẩm chất sẽ giúp HS phát huy hơn nữa khả năng của mình.

Xin cảm ơn ông!

Thông tư 22 đã giải tỏa những băn khoăn trong đánh giá HS tiểu học ảnh 1Ông Nguyễn Đức Hữu
 
 Thông tư 22 đã điều chỉnh, bổ sung một số điểm mới đối với Thông tư 30. Có thể một số giáo viên có tâm lý e ngại đổi mới nên bước đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn và trong quá trình thực hiện nhận được sự hỗ trợ, tương tác, trao đổi của đồng nghiệp, nên việc đánh giá HS đã dần ổn định và đi vào nền nếp. Để nâng cao năng lực cho giáo viên trong việc đánh giá HS tiểu học trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ tiếp tục tập huấn cho giáo viên về kĩ thuật đánh giá theo các chuyên đề, qua đó góp phần triển khai hiệu quả và thiết thực hơn các quy định của Thông tư trong năm học tới.  Ông Nguyễn Đức Hữu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.