Triển khai phương pháp "bàn tay nặn bột" trong dạy và học ở trường phổ thông

Triển khai phương pháp "bàn tay nặn bột" trong dạy và học ở trường phổ thông
(GD&TĐ) - Hôm nay (25/4), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&Đ tổ chức Hội nghị giao ban Đề án "Triển khai phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy và học ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015". 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Vụ, Viện, trường Cao đẳng Sư phạm, Đại học Sư phạm ở Hà Nội cùng 120 các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy và quản lý ở 12 tỉnh, thành phố...
Đề án "Triển khai phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy và học ở trường phổ thông giai đoạn 2011 - 2015" được thực hiện qua hai giai đoạn gồm 13 hoạt động: Giai đoạn 2011 - 2013, triển khai thí điểm và giai đoạn: 2014 - 2015, triển khai đại trà.
Trong giai đoạn 2011-2013, Vụ Giáo dục Trung học đã phối hợp với Vụ Giáo dục tiểu học, Dự án phát triển Giáo dục Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất đã tổ chức khảo sát thực tế để nắm bắt tình hình việc dạy học và đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên tại một số trường học trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó Vụ Giáo dục Trung học đã triển khai xây dựng Đề án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. 
Sau khi Đề án được phê duyệt, Ban chỉ đạo đã tổ chức Hội nghỉ triển khai Đề án tới các đơn vị tham gia thí điểm của 10 sở Giáo dục, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bước đầu đã tạo ra một sự chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nói chung và phương pháp "Bàn tay nặn bộ nói riêng. Tạo được sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột". 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội nghị
Từ nhận thức đúng đắn của các cấp lãnh đạo, nhiều giáo viên trong các trường trung học cơ sở được chọn làm thí điểm đã tích cực áp dụng phương pháp này trong các bài học cụ thể.
Thông qua việc áp dụng đó, năng lực của nhiều giáo viên đã được nâng cao thể hiện ở khả năng thiết kế tiến trình dạy học và tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh.
Qua một thời gian triển khai thí điểm các môn Lý, Hóa, Sinh ở các trường trung học cơ sở ở 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau với số lượng 114 người/tỉnh, nhiều chủ đề dạy học đã được các giáo viên xây dựng; nhiều giáo án hay kế hoach bài học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" đã được thiết kế và thử nghiệm. Đây chính là nguồn tài liệu tham khảo quý cho giáo viên trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những mặt hạn chế như: Công tác chỉ đạo của Bộ GD&ĐT còn chưa đồng bộ với việc triển khai áp dụng; Việc hiểu và vận dụng chưa thống nhất; Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn thụ động trong việc thiết kế nội dung và tiến trình dạy học, lệ thuộc nhiều vào sách giáo khoa; Năng lực tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên còn hạn chế; Việc thu hút sự quan tâm của các tổ chức xã hội và gia đình vào hoạt động dạy học, thiết kế kế hoạch bài học, tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm còn hạn chế; Vấn đề thu hút sự quan tâm của các tổ chức xã hội và gia đình vào hoạt động dạy học còn chưa được chú trọng đúng mức; Việc xây dựng nguồn tài liệu bổ trợ cho các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh còn hạn chế...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển kết luận: Phương pháp "Bàn tay nặn bột" là phương pháp thực hành khoa học. Thực hành ở đây có nghĩa là bắt tay vào làm chứ không phải chỉ thực hành minh họa. Các tình huống đưa ra được coi như đề tài thảo luận của học sinh, giáo viên chỉ hỗ trợ để học sinh tìm ra cách học mới khoa học và logic.
Để tiếp tục triển khai và thực hiện tốt hơn nữa việc áp dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" vào dạy và học ở các trường phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo: Tiếp tục triển khai công việc tập huấn bồi dưỡng ở các cấp; Khâu kiểm tra, dự giờ, đánh giá giáo viên dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" chỉ nên góp ý, động viên, khích lệ chứ không nên đánh giá xếp loại; Cần hoàn thiện các tại liệu tốt hơn nữa; Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn bởi vậy các địa phương khi thực hiện nên tận dụng các thiết bị dạy học, cố gắng phát huy, sử dụng những đồ dùng dạy học tự làm; Các cấp nên có những hình thức bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên. Nếu trường nào chưa có cán bộ thí nghiệm thì những giáo viên dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" như các môn: Hóa, Sinh, Vật lý... sẽ được tính trừ giờ.
Hiền Anh

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ