Cần nguồn kinh phí lớn
Theo thông tin của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, trong những năm vừa qua, mặc dù đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tuy nhiên đến năm học 2020-2021 toàn tỉnh vẫn còn thiếu số lượng lớn phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Số phòng học, phòng bộ môn, phòng đa chức năng, thư viện… còn thiếu diễn ra ở tất cả các cấp học. Dự kiến, đến năm 2025, con số còn thiếu sẽ từ vài trăm đến hơn 1 nghìn phòng tùy cấp học.
Căn cứ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh về việc bố trí kinh phí xây dựng các công trình trường học trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu cơ sở vật chất phục vụ dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Và, xây trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII.
Theo tờ trình này, tổng kinh phí cần đầu tư cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đến năm 2025 dự kiến khoảng hơn 8,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh phân bổ gần 2 nghìn tỷ đồng cho Sở để thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho khối trực thuộc.
Đồng thời, tờ trình cũng đề nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố cân đối số kinh phí theo khái toán đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình trường học trên địa bàn đáp ứng yêu cầu dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông mới và trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của tỉnh.
Riêng việc đầu tư trang bị thiết bị dạy học trong các nhà trường để triển khai chương trình SGK mới, kết quả rà soát mới nhất của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, năm học 2021-2022, các đơn vị giáo dục sẽ cần nguồn kinh phí 108 tỷ đồng.
Hiện Sở đang thực hiện các khâu lập dự toán và tổ chức đấu thầu đối với gói thầu và dự kiến phân bổ số trang thiết bị này đến các đơn vị nhà trường trước khi năm học mới bắt đầu. Ngoài ra, trong năm 2021, mua sắm thiết bị phòng Tin học cho các trường Tiểu học, THCS; thiết bị phòng học lý thuyết cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh với giá trị khoảng 90 tỷ đồng.
Địa phương tích cực vào cuộc
Tam Đảo là huyện có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của tỉnh Vĩnh Phúc. Về chất lượng giáo dục đại trà, Tam Đảo cũng là huyện xếp cuối bảng . Tuy nhiên, để triển khai Chương trình GDPT mới, huyện này cũng dành nhiều điều kiện tốt nhất cho các nhà trường cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.
Ông Bùi Minh Tuân – Phó Phòng GD&ĐT huyện Tam Đảo cho biết, toàn huyện hiện có 36 trường học từ cấp mầm non đến THCS. Năm học 2021-2022 tới đây, dự kiến có 51 lớp 1tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới. Đồng thời, dự kiến có 62 lớp 2 và 44 lớp 6 bắt đầu triển khai SKG mới.
Về thiết bị dạy học, Phòng GD&ĐT đã thống kê, rà soát và báo cáo Sở GD&ĐT để được cấp bổ sung trước khi năm học mới 2021-2022 bắt đầu. Trong đó, tiếp tục ưu tiên cho khối lớp 1 và chuẩn bị đầy đủ cho khối lớp 2 và 6.
Riêng kinh phí đầu tư về thiết bị dạy học, năm 2020, huyện đã bố trí ngân sách hơn 13 tỷ đồng. Trong năm 2021, con số này sẽ tiếp tục được tăng lên.
Mặc dù được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị trường học nhưng đội ngũ giáo viên tại huyện Tam Đảo vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Theo ông Bùi Minh Tuân, hiện, huyện Tam Đảo còn thiếu nhiều giáo viên. Để triển khai Chương trình GDPT mới, câc nhà trường ưu tiên cho các khối lớp 1, 2 và 6 nên các khối khác giáo viên còn thiếu. Thế nhưng, để tuyển giáo viên hợp đồng thì còn nhiều khó khăn do địa bàn huyện rộng, lương hợp đồng thấp nên khó để giữ chân giáo viên.
Để giải bài toán này, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường sử dụng ngân sách được giao để chi trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện vẫn đề nghị cho được tuyển dụng bổ sung hàng năm để ổn định đội ngũ giáo viên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ nhất là khi triển khai chương trình GDPT mới ở các khối lớp còn lại.
Cũng theo ông Bùi Minh Tuân, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tập huấn SGK mới cho giáo viên chỉ được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến. Do vậy, để đảm bảo chất lượng của đội ngũ giáo viên khi triển khai Chương trình GDPT mới, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường và đội ngũ giáo viên cốt cán nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia bồi dưỡng, hỗ trợ đồng nghiệp tự bồi dưỡng. Đồng thời, Phòng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá giáo viên để đảm bảo Chương trình GDPT mới được triển khai một cách hiệu quả.