Triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cấp tiểu học tại TPHCM

GD&TĐ - Từ năm học 2024-2025, TPHCM chính thức triển khai giáo dục kỹ năng công dân số dành cho học sinh cấp tiểu học, sau thời gian thí điểm.

Học sinh rèn luyện kỹ năng công dân số trên máy tính bảng.
Học sinh rèn luyện kỹ năng công dân số trên máy tính bảng.

Trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay, xu hướng giáo dục kỹ năng công dân số (GD-KNCDS) cho học sinh đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Việc giúp các em có các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.

Theo công văn số 3899/ BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 30/7/2024, GD-KNCDS giúp học sinh có kỹ năng và năng lực học tập, sống và làm việc an toàn, hiệu quả trong môi trường số ngày càng phát triển. Tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ phát triển nhận thức của học sinh tiểu học và điều kiện của nhà trường, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục có liên quan, thúc đẩy tổ chức dạy học tích hợp, giáo dục STEM, không gây áp lực, quá tải cho học sinh và giáo viên.

Từ năm học 2024-2025, GD-KNCDS sẽ được triển khai tại các trường tiểu học ở TPHCM thông qua 4 hình thức: Dạy học môn tin học thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học; dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số; tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

giao-duc-ky-nang-cong-dan-so-1339.png
GD-KNCDS giúp học sinh trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Theo công văn 3899/ BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiểu học triển khai thực hiện GD-KNCDS bằng các hình thức:

Tiếp tục tăng cường điều kiện về đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu, trình độ chuyên môn đặc biệt là đội ngũ giáo viên Tin học và các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện dạy học môn Tin học và triển khai GD-KNCDS đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018;

Đưa nội dung GD-KNCDS vào kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nhà trường (đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,...) và thực tế của địa phương.

Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học tích hợp GD-KNCDS, thực hiện ở tất cả các môn học, các khối lớp. Xây dựng kế hoạch thực hiện GD-KNCDS bằng các hình thức Dạy học tăng cường hoặc/và Câu lạc bộ cho các khối lớp phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường; huy động các nguồn lực hợp pháp, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định để thực hiện tổ chức GD-KNCDS.

Hoạt động GD-KNCDS cấp tiểu học được tổ chức dựa trên khung năng lực số dành cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo dự thảo thông tư do Bộ GD&ĐT công khai lấy ý kiến ngày 23/09/2024, việc ban hành Khung năng lực số giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời.

Cấu trúc khung năng lực số: Khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia. Cụ thể, dự thảo đề xuất 6 miền năng lực gồm: Khai thác dữ liệu và thông tin, Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, Sáng tạo nội dung số, An toàn, Giải quyết vấn đề, Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ