Triển khai đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Nhiều nỗ lực và đổi thay tích cực

GD&TĐ - Trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai - một trường khá trẻ trong hệ thống các trường THPT chuyên nhưng ngay từ ngày đầu thành lập trường luôn chú trọng đến việc dạy và học ngoại ngữ. 

Môi trường học  ngoại ngữ của HS trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai được cải thiện đáng kể
Môi trường học ngoại ngữ của HS trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai được cải thiện đáng kể

Tới nay, trường THPT Chuyên Lào Cai là trường đi đầu ở tỉnh Lào Cai thực hiện đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Việc sử dụng ngoại ngữ trong việc giảng dạy một số môn khoa học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin tại trường đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo được môi trường học tập ngoại ngữ tích cực.

Thành công đến từ đổi mới

Giống như rất nhiều các trường THPT chuyên khác ở khu vực miền núi, khi bắt đầu triển khai dạy học ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ 2020, giáo viên (GV) nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đầu tiên từ đội ngũ. Tại thời điểm năm 2010, số lượng GVcó thể dùng ngoại ngữ để giao tiếp thông thường không nhiều, giáo viên ngoại ngữ tuy có kiến thức tốt về ngữ pháp, từ vựngnhưng không có nhiều cơ hội để giao tiếp với người bản ngữ.Mặt khác,việc học ngoại ngữ của học sinh (HS) chủ yếu tập trung học từ vựng và ngữ pháp để làm các bài thi viết, không có mục tiêu học và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Kỹ năng nói của HS nhiều hạn chế...

Có thể thấy, những khó khăn trên xuất phát từ nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đội ngũ GV ngoại ngữ của trường đều nhận thấy dù là nguyên nhân nào thì việc dạy và học ngoại ngữ đã đến lúc cần thay đổi.

Cô Nguyễn Thị Vân Khánh – Tổ trưởng tổ ngoại ngữ của trường cho biết: Thay đổi tiến hành trước hết ở khâu đội ngũ. Nếu trước đâyGV không có môi trường để thực hành và sử dụng ngoại ngữ thường xuyên thì môi trường đó đã được tạo lập. Nhà trường tổ chức các lớp dạy tiếng Anh giao tiếp cho GV trong trường do các GV tình nguyện từ Úc và Mỹ giảng dạy. Nhiều thầy cô ban đầu cảm thấy khó khăn nhưng dần dần cũng hình thành được thói quen sử dụng ngoại ngữ, số GV có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản tăng lên.

Cũng từ năm 2010, yêu cầu GV ngoại ngữ phải tìm học bổng học thạc sĩ ở nước ngoài chính thức thực hiện. Đây được đánh giá là yêu cầu khó thực hiện ở một tỉnh miền núi như Lào Cai. Song chỉ sau một năm đã có giáo viên đầu tiên được cấp học bổng thạc sĩ theo chương trình học bổng của Chính phủ Australia và đến nay 5 giáo viên ngoại ngữ đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ ở Úc. 10 giáo viên đã tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn tại Mỹ và Singapore.

Cùng đó, nhà trường chủ động trong việc mời các tình nguyện viên nước ngoài về dạy cho HS, giáo viên và tình nguyện viên tiếng Anh. Đã xây dựng các nội dung, chương trình để có thể phát huy tối đa hiệu quả của việc sử dụng tình nguyện viên nước ngoài trong việc phát triển kỹ năng nghe, nói, giao tiếp và phát âm của học sinh. Năm 2017, 26 giáo viên các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin đã tham gia chương trình học văn bằng hai tiếng Anh. Việc kiểm tra ngoại ngữ của các thầy cô giáo được tổ chức hàng tháng và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá, phân xếp loại cán bộ giáo viên cuối năm học.

Để học tốt ngoại ngữ trước hết hãy để HS yêu thích môn ngoại ngữ, để HS có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ hãy để các em dám nói bằng ngoại ngữ. Việc sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy của giáo viên cũng được khuyến khích. Giáo viên cần sử dụng các câu giao tiếp cơ bản, các câu mệnh lệnh bằng ngoại ngữ thường xuyên trong tiết dạy để hình thành thói quen sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp của GV và HS. 

Một thay đổi khác từ chương trình giáo dục. Nhà trường tổ chức rà soát lại chương trình, xây dựng và điều chỉnh lại chương trình giảng dạy ngoại ngữ trong đó tập trung phát triển các kỹ năng cho học sinh. Các chương trình trải nghiệm sáng tạo cũng được lồng ghép một cách linh hoạt để khuyến khích học sinh có thể sử dụng ngoại ngữ ngoài giờ học. Học sinh được tổ chức thực hiện các dự án nên qua đó vừa có thể sử dụng và phát triển các khả năng ngôn ngữ cũng như phát triển các kỹ năng mềm khác.

Các chương trình giáo dục phải đảm bảo tính cân bằng trong việc chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho các em trong các kỳ thi viết nhưng vẫn khuyến khích các em phát triển các kỹ năng ngôn ngữ khác. Các hoạt động CLB ngoại ngữ được tổ chức sáng tạo để khuyến khích không chỉ với học sinh khối chuyên ngoại ngữ mà với cả học sinh toàn trường sử dụng ngoại ngữ ngoài giờ học...

Nhiều năm trở lại đây, HS của trường đã nhận được học bổng có giá trị từ các chương trình; trường ĐH nước ngoài danh giá...

Kinh nghiệm sau một chặng đường

Dù việc dạy học ngoại ngữ của trườngTHPT Chuyên tỉnh Lào Cai đến nay còn những điều cần thay đổi trong quá trình thực hiện nhưng sự thay đổi trên nhiều mặt thời gian đã cải thiện tích cực môi trường dạy và học ngoại ngữ tại trường.

Với đề án dạy học ngoại ngữ Quốc gia 2020 thực hiện tại trường THPT Chuyên tỉnh Lào Cai, giáo viên nhà trường đều cho rằng, phải đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ.

Song kinh nghiệm rút ra sau một chặng đường thực hiện của trường đó là: thay đổi và cải cách cần có lộ trình cụ thể tránh việc gây hoang mang và lo lắng cho phụ huynh học sinh. Việc thay đổi cũng cần phải đồng bộ giữa chương trình học, phương pháp giảng dạy, tài liệu và hình thức kiểm tra đánh giá để các thầy cô và học sinh có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm lý cũng như kiến thức cho học sinh đồng thời đảm bảo tính chính xác trong việc đánh giá năng lực của học sinh.

Mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ cũng cần phải xác định cho phù hợp với từng đối tượng và môi trường giáo dục. Cần làm rõ học sinh học ngoại ngữ để làm gì, từ đó xác định những yêu cầu về mục tiêu cần đạt được cho học sinh, tránh tình trạng gây áp lực học tập nặng nề.

Việc đổi mới, cải cách bên cạnh những chỉ đạo chung cũng cần phải được áp dụng linh hoạt và phù hợp vào từng môi trường giáo dục khác nhau. Các nhà trường nên được trao quyền tự chủ trong việc xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường. Việc giới thiệu ngoại ngữ nào vào trong chương trình giảng dạy cũng cần phải xét đến tính khả thi, phù hợp với đối tượng học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ