Mua đúng, mua đủ
Từ năm 2011 đến 2013, tỉnh đã trang bị phòng học ngoại ngữ cho 82 trường TH, THCS và THPT (gồm 33 trường TH, 32 trường THCS và 17 trường THPT); trong đó có 10 trường TH, 17 THCS và Trường THPT chuyên Bến Tre được trang bị phòng dạy học ngoại ngữ đầy đủ gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể, 1 bộ điều khiển trung tâm giáo viên, 1 bộ điều khiển cho 40 học sinh và phần mềm dạy-học tiếng Anh.
Số trường còn lại được trang bị phòng học ngoại ngữ cơ bản gồm: 1 máy chiếu siêu gần, 1 bảng tương tác, 1 máy chiếu vật thể và 1 máy tính giáo viên.
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn nên Bến Tre đã chọn giải pháp: Không mua sắm trang thiết bị dàn trải mà đầu tư có chọn lọc, mua đúng, mua đủ và điều quan trọng là phải phù hợp với năng lực, trình độ của giáo viên để khai thác thiết bị một cách hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, kinh nghiệm của địa phương là: Tỉnh chỉ tập trung đầu tư ở một số trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc gia và những trường có nhiều giáo viên đạt chuẩn.
Sở GD&ĐT ưu tiên tập trung kinh phí để bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, bởi đây mới chính là lực lượng nòng cốt để triển khai Đề án vào thực tiễn có hiệu quả.
Sau đó Sở tiến hành tổ chức tập huấn sử dụng các trang thiết bị dạy học cho các giáo viên khác; chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học gắn với việc sử dụng trang thiết bị dạy học ngoại ngữ một cách thường xuyên và hiệu quả.
Bằng phương pháp này mà đa số các trường được trang bị phòng ngoại ngữ đều khai thác tích cực, hiệu quả các thiết bị; các giáo viên kể cả các giáo viên ngoài tiếng Anh đã sử dụng các trang thiết bị một cách thường xuyên và khá thành thạo, bước đầu tạo được hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường.
Để tránh lãng phí trong việc mua sắm thiết bị, Sở đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác mua sắm trang thiết bị theo hướng tập trung, ưu tiên cho các trường có đủ điều kiện (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn,...); trang bị các trang thiết bị cơ bản, thực sự cấp thiết cho việc dạy tiếng Anh (bảng tương tác, máy chiếu vật thể, máy tính cho giáo viên, máy nghe, các phần mềm dạy học....).
Chấn chỉnh mua sắm trang thiết bị
Trên thực tế đã xảy ra tình trạng có nơi thì thừa, có nơi thì vẫn còn thiếu trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác dạy và học. Đã có những câu chuyện về việc có nơi mua cả một phòng multimedia rồi “đắp chiếu” để đó, hoặc đầu tư máy móc, thiết bị nhưng không hỏi ý kiến “người sử dụng” là giáo viên trực tiếp giảng dạy, dẫn đến mua tràn lan các trang thiết bị bất chấp đó là những thiết bị đã cũ, đã lỗi thời.
Một thực tế khác đó là nhiều nơi thay vì tập trung đầu tư nâng chuẩn giáo viên, thì lại chỉ “chăm” mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên dẫn đến hiệu quả không cao.
Để chấn chỉnh thực trạng trên, TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết:
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã chấn chỉnh bằng các hướng dẫn cụ thể tại Công văn: 7842/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 28/10/2013 về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; Công văn 63/BGDĐT-KHTC ngày 06/01/2014 về việc sử dụng kinh phí CTMTQG giáo dục và đào tạo cho Đề án 2020.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn 4716/BGDĐT-ĐANN ngày 29/8/2014 về việc hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ Đề án NNQG 2020 tại các đơn vị để tăng cường trách nhiệm và tính tự chủ của địa phương, đơn vị.
Mặt khác, Đề án cũng đang phối hợp với ĐH Hà Nội xây dựng các mô hình thiết bị và ứng dụng CNTT trong dạy học Ngoại ngữ hiệu quả; các chương trình, tài liệu tập huấn sử dụng trang thiết bị, các nguồn học liệu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị cho cán bộ, giáo viên, giảng viên.