Theo đó, trên cơ sở các nội dung đã được Sở GD&ĐT tập huấn, các phòng GD&ĐT tổ chức, chỉ đạo các trường tiểu học tập huấn, giới thiệu cho cán bộ quản lý và giáo viên toàn trường về dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục đã được Bộ GD&ĐT thẩm định; trong quá trình chỉ đạo và tổ chức dạy học cần lưu ý những nội dung chỉnh sửa, bổ sung để dạy - học đạt kết quả tốt.
Dạy học TV1-CGD có tuần đầu gọi là tuần chuẩn bị (hoặc tuần 0) rất quan trọng, có tác dụng hình thành nền nếp, thói quen học tập, kỹ năng thực hành, vận dụng cho học sinh trong suốt cả năm học, nhất thiết không được cắt bỏ.
Các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học, trong 2 tuần đầu của năm học, khi bố trí thời khóa biểu giảng dạy TV1- CGD (buổi sáng và buổi chiều) phải đảm bảo thực hiện đúng trình tự và hoàn thành đủ tuần 0, tuần 1, tuần 2 của chương trình TV1-CGD.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu duy trì vai trò, trách nhiệm của tổ cốt cán cấp huyện về TV1- CGD; tổ chức hội thảo, chuyên đề cấp huyện, cụm trường khi chuyển sang dạng bài mới; yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ thiết kế bài dạy trước khi lên lớp, nắm chắc cấu trúc, mục tiêu từng bài để dạy học linh hoạt phù hợp với đối tượng học sinh, kiểm soát đến từng học sinh; sử dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ tăng cường các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh.
Chỉ đạo các nhà trường thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của khối lớp; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức các trò chơi học tập, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ cho học sinh,…
Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dạy học TV1- CGD của các nhà trường; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ quản lý và giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện.