Triển khai CT lớp 2, lớp 6: Giáo viên hào hứng, tin tưởng vào đổi mới

GD&TĐ - Giáo viên dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 của Hà Nội đã được tiếp cận với các bộ SGK mới. Đặc biệt, các nhà trường và giáo viên sẵn sàng tâm thế bắt nhịp chương trình mới.

Giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học sinh phát triển năng lực. Ảnh minh họa
Giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học sinh phát triển năng lực. Ảnh minh họa

Mong sớm có SGK 

Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn bị triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 của Bộ GD&ĐT tại quận Ba Đình (Hà Nội), nhiều nhà trường đã cho thấy tâm thế sẵn sàng đón nhận chương trình, SGK mới.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủ Lệ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Đến thời điểm này, từ những tiến bộ của học sinh lớp 1 trong học văn hóa và phát triển năng lực, phẩm chất, giáo viên nhà trường thấy phấn khởi, vững tâm với chương trình mới. PHHS cũng yên tâm với công tác dạy, học của nhà trường. Sau thời gian nghiên cứu các bộ SGK lớp 2, giáo viên mong muốn được tiếp cận sớm SGK mới để triển khai hiệu quả như lớp 1.

Cũng như vậy, cô Vũ Thị Hoa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Yên cho rằng, việc sớm có SGK sẽ giúp nhà trường và giáo viên có thời gian xây dựng kế hoạch nhà trường và kế hoạch giáo dục cá nhân để không bị lúng túng khi bước vào năm học mới.

Cô Hoa chia sẻ: Năm học trước có 5 bộ SGK, năm nay còn 3 bộ. PHHS có nhiều băn khoăn do tiếp tục thay SGK mới ở lớp 2, song nhà trường và giáo viên đã kịp thời tuyên truyền, động viên để PHSS yên tâm, bởi dạy bộ SGK nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là học sinh đạt được chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu. Nhà trường chủ trương bố trí những giáo viên cốt cán, giỏi chuyên môn gánh vác những năm đầu tiên thay SGK.

Giáo viên nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ SGK để đề xuất lựa chọn phù hợp với điều kiện nhà trường.

Giáo viên nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ SGK để đề xuất lựa chọn phù hợp với điều kiện nhà trường.

Cô Nguyễn Thanh Hà- Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long cho biết: Chuẩn bị triển khai chương trình, SGK lớp 6, nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, dự báo những thuận lợi, khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện chương trình. Trong năm 2020, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán đã hoàn thành chương trình tập huấn mô đun 1,2,3. Trường chủ động thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Cô Hà đề nghị: Thành phố sớm công bố kết quả chọn SGK để các nhà trường chủ động tập huấn giáo viên, tiếp tục bồi dưỡng giáo viên ở các mô đun tiếp theo; tổ chức tập huấn SGK mới trong thời gian sớm nhất để nhà trường tổ chức dạy thử nghiệm trước khi bước vào năm học mới. UBND quận sớm phê duyệt kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy học bổ sung cho chương trình lớp 6 mới…

Quan tâm chất lượng đội ngũ

Ông Lê Đức Thuận- Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết: Các trường học trên địa bàn quận đã bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng đảm nhiệm dạy lớp 2, lớp 6 năm 2021-2022 và tiến hành tập huấn. 100% giáo viên đã được đánh giá hoàn thành chương trình tập huấn của Bộ GD&ĐT. UBND quận đã có kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6.

Ông Thuận đề xuất: Bộ, Sở sớm có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán để phòng GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng đại trà. Quan tâm tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học, kế toán trường học, nhân viên y tế trường học…

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Học viện Quản lý giáo dục và Đại học Sư phạm cử cán bộ quản lý cốt cán và giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn theo đúng qui định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Sở đã tổ chức tập huấn đại trà cho gần 31 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 42 nghìn giáo viên THCS và 20 nghìn giáo viên THPT về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông từng bộ môn.

Năm học 2021-2022, 100% giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 tham gia bồi dưỡng hướng dẫn sử dụng SGK các môn học/hoạt động giáo dục (đã được lựa chọn) với hình thức là trực tuyến kết hợp trực tiếp.

"Với việc triển khai chương trình, SGK lớp 6 mới, tâm thế GV nhà trường rất hào hứng, phấn khởi, tin tưởng vào định hướng đổi mới. Nhà trường mong sớm có SGK chính thức để có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu trước khi trực tiếp dạy trên lớp; nhất là với SGK các môn tích hợp, liên môn… Từ đó, trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục và bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp".
Cô Lê Hoàng Châu- Hiệu trưởng THCS Nguyễn Trãi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ