Triển khai Chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Bài học từ vùng khó

GD&TĐ - Ngoài tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là GV đứng lớp tại điểm trường lẻ, các địa phương vùng khó đang tiến hành rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Phòng học tạm của điểm trường Tắk Rối, 2 phòng học mới đang được xây dựng sẽ đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu của chương trình – sách giáo khoa mới.
Phòng học tạm của điểm trường Tắk Rối, 2 phòng học mới đang được xây dựng sẽ đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu của chương trình – sách giáo khoa mới.

Sách giáo khoa cũng được cấp phát miễn phí cho học sinh.

Cấp sách giáo khoa cho HS lớp 1 - 2 và 6

Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Năm đầu tiên thực hiện Chương trình, SGK mới, phòng GD&ĐT đã trình UBND huyện phương án dùng ngân sách tự chủ của phòng để mua SGK cấp phát cho HS lớp 1. Dự kiến, năm học tới, khi thực hiện cuốn chiếu cho lớp 2 và 6, phòng cũng đề xuất tiếp tục cấp phát SGK cho cả 3 khối lớp 1, 2 và 6. So với kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, khoản trang bị SGK chỉ chiếm một phần nhỏ. Với đặc thù kinh tế - xã hội của Sơn Tây, chủ trương này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học do 100% HS có đủ SGK để học tập.

Một điểm thuận lợi của Sơn Tây khi triển khai Chương trình, SGK ở lớp 2 là không còn tình trạng lớp ghép ở các điểm trường lẻ. Với 9 trường tiểu học, Sơn Tây hiện còn 18 điểm trường lẻ, đa phần ở địa bàn xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn. Khi tiến hành quy hoạch mạng lưới trường lớp, với những điểm trường mà khoảng cách không quá xa, đường sá thuận tiện, huyện đã chủ trương đưa HS về điểm trường trung tâm để tổ chức bán trú, cuối tuần HS mới về nhà. Chính vì vậy, tỉ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày của huyện khá cao. Đây là sự chuẩn bị dài hơi của Phòng GD&ĐT Sơn Tây từ những năm trước để tạo đà cho việc triển khai Chương trình, SGK mới bảo đảm chất lượng với những điểm trường lẻ.

Cũng theo ông Bùi Thế Giới, từ đầu năm học 2020 – 2021, Phòng GD&ĐT Sơn Tây đã lưu ý các trường tiểu học và THCS, khi lên danh sách GV tham gia tập huấn phải tính phương án dự phòng. “GV điểm lẻ hay trường chính đều phải chọn những thầy cô được bố trí dạy lớp 2 và 6 trong năm học tới để tham gia các lớp bồi dưỡng. Trường nào có 5 lớp 2 phải cử thêm GV học bồi dưỡng để dự phòng trường hợp thầy cô chuyển về đồng bằng hoặc nghỉ thai sản, đau ốm” – ông Giới phân tích.

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trường là công việc thường xuyên và lâu dài của ngành GD-ĐT. Ngành GD-ĐT huyện Sơn Tây đã chủ động rà soát, kiểm kê thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 ở các trường tiểu học, THCS. Phòng đối chiếu với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu mới của từng lớp do Bộ GD&ĐT ban hành để giữ lại các thiết bị dạy học còn sử dụng được. Chỉ mua bổ sung các thiết bị dạy học mới hoặc còn thiếu so với danh mục mới theo tiến độ triển khai.

Với những điểm trường được xây mới theo hướng kiên cố hóa, xóa phòng học được lắp ghép bằng gỗ, thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho hay: Nhà trường “thuyết phục” các tổ chức, cá nhân tài trợ xây phòng học đạt chuẩn. Theo thầy Phương, điều này sẽ giúp nhà trường cải thiện cơ sở vật chất theo hướng đáp ứng điều kiện dạy học của Chương trình, SGK mới. Vì thế, điểm trường nào thuận lợi về mặt giao thông được ưu tiên xây dựng trước. Đường mở đến đâu sẽ kiên cố hóa trường lớp đến đó. Điểm trường Tắk Rối và điểm trường Tắk Pổ đang khởi công xây dựng đều đáp ứng tiêu chuẩn phòng học để tổ chức các hoạt động nhóm. 

Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập họp bàn với phụ huynh điểm trường Tắk Pổ về kế hoạch bàn giao mặt bằng để xây dựng trường mới.
Ban giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập họp bàn với phụ huynh điểm trường Tắk Pổ về kế hoạch bàn giao mặt bằng để xây dựng trường mới. 

Quan tâm tới điểm lẻ, lớp ghép

Cô Lưu Thị Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập chia sẻ: Chúng tôi ưu tiên sinh hoạt tổ chuyên môn, thảo luận tài liệu bồi dưỡng các mô-đun theo kế hoạch bồi dưỡng của sở, phòng, nghiên cứu các bộ SGK để lựa chọn ở cấp hội đồng chọn SGK của trường. Đây cũng là thời gian quý báu để GV của các điểm trường lẻ nêu những thắc mắc trong quá trình tự bồi dưỡng hoặc từ thực tế dạy học của lớp 1 để tổ chuyên môn cùng tháo gỡ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập có 11 điểm trường lẻ. GV các điểm lẻ đều phải dạy lớp ghép lớp 1 và 2. “Chính vì vậy, khi triển khai Chương trình, SGK lớp 2, GV sẽ vất vả hơn vì khối lượng công việc nhiều lên. Do mỗi điểm trường lẻ cách nhau khá xa nên không thể bảo đảm định mức 1,5 GV/lớp. Nhà trường chọn giải pháp thanh toán tiền tăng giờ cho GV đứng lớp và đều bố trí GV vững chuyên môn, nhiệt huyết để đứng lớp tại các điểm lẻ” – cô Nghĩa thông tin.

Cô Nguyễn Việt Thảo – GV dạy lớp ghép 1 - 2, điểm trường Tắk Pổ nhận xét: Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, GV được tự chủ trong điều chỉnh thời lượng tiết dạy của mỗi bài học. Căn cứ vào khả năng tiếp nhận của HS, GV có thể kéo dài một số nội dung bài dạy để đáp ứng mục tiêu HS đọc thông viết thạo. SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là ngữ liệu để giảng dạy, do đó, GV có thể chọn lọc một số nội dung để dạy chứ không phải “tải” hết toàn bộ. Đây là điểm thuận lợi, phù hợp với điều kiện dạy học ở vùng HS dân tộc thiểu số vốn không thông thạo tiếng phổ thông.

Đội ngũ đa phần là GV trẻ, kinh nghiệm đứng lớp không thể bằng GV đồng bằng. Trong công tác tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cụm, sinh hoạt mạng lưới chuyên môn của phòng không thuận lợi như ở vùng đồng bằng. Chính vì vậy, đội ngũ GV cốt cán đã tham gia bồi dưỡng của sở GD&ĐT, ngoài việc tổ chức bồi dưỡng lại cho GV đại trà, còn phải tham gia sinh hoạt cụm chuyên môn theo từng khối lớp, bậc học do phòng GD&ĐT tổ chức để hỗ trợ, gỡ khó cho GV. - Ông Bùi Thế Giới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.