Triển khai Chương trình GDPT và SGK mới: Tập trung nguồn lực

Tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư cho lớp 1 năm học 2020-2021
Tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư cho lớp 1 năm học 2020-2021

Xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục, tỉnh có nhiều quyết sách, tập trung nguồn lực cùng chung tay thực hiện.

Chủ động triển khai

Theo ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo Chương trình GDPT tổng thể, sở có văn bản hướng dẫn nhà giáo, cán bộ quản lý trong ngành góp ý. Sở cũng đưa dự thảo lên website để người dân đóng góp; Mời GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới về báo cáo các nội dung cơ bản của dự thảo cho cán bộ quản lý, nhà giáo toàn tỉnh.

Việc góp ý cho dự thảo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình GDPT 2018 được địa phương tiến hành thận trọng, trách nhiệm như: Gửi dự thảo chương trình môn học, hoạt động giáo dục về các cơ sở giáo dục để nhà giáo, cán bộ quản lý góp ý. Từ trên 200 ý kiến góp ý của giáo viên, cán bộ quản lý, thành viên Hội đồng bộ môn, Hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT tổng hợp, đánh giá từng ý kiến để tổng hợp báo cáo Bộ.

Về kế hoạch triển khai Chương trình GDPT và SGK mới, theo ông Liêm, toàn tỉnh quán triệt mục tiêu theo đúng lộ trình quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, kết hợp dạy chữ, dạy đạo đức và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao của các cấp, ngành trong tổ chức triển khai thực hiện đổi mới Chương trình GDPT mới.

Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp chính là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên phục vụ công tác giảng dạy, học sinh, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội; Bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên phục vụ công tác giảng dạy thực hiện Chương trình GDPT 2018; Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Xây dựng tài liệu và triển khai nội dung giáo dục địa phương...

Kinh phí thực hiện được chi từ Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, các dự án mua sắm thiết bị giáo dục mầm non, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, bàn ghế khoảng 218 tỷ đồng. Riêng năm 2020, tăng cường cơ sở vật chất 316 tỷ đồng (trong đó đầu tư riêng cho bậc tiểu học 126,2 tỷ đồng với 270 phòng học, 274 phòng chức năng); Mua sắm thiết bị 62,28 tỷ đồng, riêng SGK và thiết bị dạy học lớp 1 là 13,67 tỷ đồng.

Tập trung cho đội ngũ, cơ sở vật chất

Sở GD&ĐT Đồng Tháp xác định, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý triển khai đổi mới Chương trình GDPT 2018 là khâu quan trọng. Sở đã chủ động tổ chức tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên thực hiện chương trình mới theo lộ trình triển khai thực hiện ở từng cấp học, cơ sở giáo dục phổ thông tại các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định nhu cầu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên thực hiện chương trình mới để xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ hiện có theo hướng hợp lý, hiệu quả. Từ đó có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với những người chưa đạt chuẩn phù hợp.

Thầy Nguyễn Minh Nhựt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) chia sẻ: Nhà trường tập trung cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 về năng lực, hiểu rõ chương trình tổng thể và sẵn sàng giảng dạy SGK mới. Song song đó, nhà trường thường xuyên triển khai tập huấn giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tăng cường kỹ năng thực hành, tổ chức ngoại khóa… giúp thầy cô nắm được lý thuyết, sau đó ứng dụng vào thực tế.

Theo ông Trần Thanh Liêm, qua kết quả rà soát, để triển khai Chương trình GDPT mới, địa phương cơ bản đáp ứng đủ số lượng giáo viên phổ thông, chỉ thiếu một ít giáo viên dạy các môn chuyên biệt và sẽ tổ chức tuyển dụng trong thời gian tới để bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên trong tổng số biên chế được giao. Về trình độ đội ngũ giáo viên bậc tiểu học, THCS theo quy định của Luật Giáo dục 2019, hiện tỉnh có 83,85% giáo viên bậc tiểu học và 83,61% giáo viên THCS đạt chuẩn. 

Như vậy, còn 16,15% giáo viên tiểu học (1.094 người) và 16,39% giáo viên THCS (785 người) chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Riêng bậc mầm non, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ CĐ sư phạm trở lên là 90,08%, còn 9,92% (352 người) chưa đạt chuẩn. Đối với việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý thực hiện chương trình mới, sở đã cử 716 giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán dự tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức, tổ chức tập huấn 2 đợt tại tỉnh, có mời báo cáo viên của Bộ GD&ĐT về báo cáo với trên 3.700 cán bộ quản lý, giáo viên tham dự.

Sở đang rà soát, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng, loại hình nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên để thực hiện chương trình mới tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh; nhất là đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 và lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Đặc biệt, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho bậc tiểu học từ năm 2020 đến năm 2024); phòng chức năng, nhà vệ sinh, nhà ăn cho học sinh bán trú… để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện đổi mới. Chú trọng các vùng khó khăn, vùng biên giới, khu đông dân cư, các khu công nghiệp. 

Về cơ bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học sẽ bảo đảm cho việc triển khai thay sách lớp 1, còn một vài địa phương thừa, thiếu cục bộ về phòng học, sở sẽ làm việc với UBND địa phương để tháo gỡ. Tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% lớp 1 sẽ được học 2 buổi/ngày trong năm học 2020 – 2021. - Ông Trần Thanh Liêm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ