Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và thực hiện Kết luận 51-KL/TW

Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 và thực hiện Kết luận 51-KL/TW

(GD&TĐ) - Ngày 23/1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu của cả nước về triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51 - KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ Đảng. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cùng lãnh đạo các Vụ, Cục các trường ĐH các Sở GD-ĐT. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo và đại biểu của các Ủy ban thuộc Quốc hội, VP Chính phủ các Bộ ngành trung ương và địa phương.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD Việt Nam

Thay mặt Bộ GD-ĐT báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 khóa XIII và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển GD 2001- 2010, GD Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp GD và đổi mới đất nước, song cũng còn không ít yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính vì thế, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (gọi tắt là Chiến lược) là một căn cứ quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; đưa giáo dục nước ta trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến; thực hiện sứ mạng nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh quan điểm và mục tiêu của chiến lược là thực hiện công bằng xã hội trong GD, nâng cao chất lượng GD vùng khó để đạt được mặt bằng chung, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở GD có điều kiện bứt phá mạnh, đi trước một bước, đạt trình độ ngang bằng với các nước có nền GD phát triển. Trong Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020 của ngành GD bao gồm nhiều điểm mới, góp phần quan trọng thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới nền GD nước nhà. 

Chiến lược phát triển giáo dục được chia thành 2 giai đoạn (2011-2015, 2016-2020). Theo đó, giai đoạn 1 sẽ thực hiện đổi mới giáo dục, hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học (ĐH) chất lượng cao và trường ĐH theo định hướng nghiên cứu; đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ở các trường ĐH, CĐ và TCCN. Giai đoạn 2 sẽ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, ĐH và thực hiện một số nhiệm vụ của giai đoạn 1 với các điều chỉnh bổ sung. Kết quả thực hiện Chiến lược sẽ được tổng kết vào đầu năm 2021. 

Những điểm mới quan trọng của Chiến lược phát triển GD 2011-2020 bao gồm: Đổi mới về quản lý, sẽ hoàn thiện cơ cấu hệ thống GD quốc dân,  lấy chất lượng làm trọng tâm, tập trung vào quản lý chất lượng GD, xây dựng khung trình độ quốc gia tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống và liên thông giữa các chương trình GD, cấp học và trình độ đào tạo.

Các chương trình lấy chất lượng làm trọng tâm và tập trung vào quản lí chất lượng. Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ công khai về chất lượng GD và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Cũng trong giai đoạn phát triển này, sẽ phân tầng chất lượng GD, xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình cơ sở GD tiên tiến, chất lượng cao, phát triển hệ thống các trường chuyên, thực hiện phân tầng các cơ sở GD đại học theo định hướng nghiên cứu, định hướng thực hành và định hướng ứng dụng, sẽ thực hiện xếp hạng các cơ sở GD đại học. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm mô hình, từ chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là năng lực sư phạm, các giáo viên phải sử dụng được năng lực tin học và ngoại ngữ trong công việc. Trong giai đoạn này tập trung phát triển các trường sư phạm và đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 tiếp tục hoàn thiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương. Chương trình SGK phổ thông mới cũng được Bộ coi trọng theo hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù từng địa phương, sách sẽ chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, thể chất, quốc phòng, các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Theo đó, sẽ đổi mới chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh. Cơ bản các điểm mới trong chiến lược phát triển giáo dục sẽ là điều kiện để ngành giáo dục quyết tâm thực hiện đổi mới toàn diện nền giáo dục và đào tạo. 

Đại biểu tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Hằng)
Đại biểu tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Hằng)

Cần tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chiến lược

Hội nghị trực tuyến lần này diễn ra tại 6 điểm, Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng , Tp. HCM và Cần Thơ. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại chỉ rõ: Mặc dù chất lượng GD mũi nhọn của Hà Nội cao so với cả nước, tuy nhiên, việc dạy và học trong nhà trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tri thức. Mạng lưới trường học còn nhiều bất cập, khu vực nội thành HS/lớp đông, số lớp trường cao hơn nhiều so với qui định do tăng dân số cơ học, nhiều nơi còn thiếu CSVC.

Ông Lê Văn Quý- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên cho rằng, Chiến lược phát triển giáo dục và Kết luận số 51 của Hội nghị Trung ương lần 6 cơ bản tạo điều kiện cho GD miền núi phát triển. Theo ông Quý, hệ thống chính sách trong 5 năm qua đã được ban hành và thực hiện khá tốt và Chỉ thị 85 về HS bán trú, Nghị định 49 hỗ trợ học phí cho đào tạo, những chính sách này đã hỗ trợ lớn cho học sinh được đến trường và có đủ SGK để học tập, HS vùng dân tộc khó khăn được đến trường đầy đủ, không bị đói, được mặc ấm.

Tuy nhiên, theo ông Quý, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục cần tích cực phân cấp quản lí giáo dục. Mục tiêu phân cấp quản lí là tốt nhưng triển khai còn khó khăn, nhất là cấp cơ sở, cụ thể là cấp huyện. Quyết định 115 về phân cấp cũng thực hiện khó khăn ở địa phương, còn nhiều bất cập. Những khó khăn trên dẫn đến việc luân chuyển giáo giáo viên về vùng khó khăn còn hạn chế vì không có kinh phí, do vậy không thuộc thẩm quyền của sở. Hơn nữa, tại những vùng khó khăn, GV muốn về vùng sâu, vùng xa để dạy học cũng khó vì CSVC thiếu thốn, muốn về phải có nơi ăn, ở (hiện tại tỉnh chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhà công vụ), do vậy, đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần xem lại phân cấp, làm như ngành Y tế là được, hoặc phải có hệ thống văn bản đồng bộ. Xây dựng CSVC đồng bộ, chuẩn hóa phải có tài chính vì các tỉnh miền núi hưởng kinh phí chủ yến từ Nhà nước nên khó có thể tự xây dựng.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình Trần Trọng Đắc nêu kinh nghiệm khi là tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Theo ông Đắc, kinh nghiệm không có gì quý hơn là sự chuẩn bị, chuẩn bị tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, chính vì thế Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục. Sở GD-ĐT Hòa Bình cơ bản sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện chiến lược. Ông Đắc cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm cho lượng SV sư phạm được tiếp cận với mục tiêu chiến lược này, từ đó khi ra trường những lực lượng này không cần đào tạo, bồi dưỡng lại. Bộ tiếp tục đầu tư cho vùng khó khăn, cần khảo sát cụ thể để có thể phân bổ chính sách được chính xác. Cần phân bổ cho tỉnh miền núi chứ không phân theo bình quân, vùng khó khăn có thể cao hơn. 

Là một tỉnh có đầy đủ điều kiện thuận lợi về con người, địa thế, lịch sử, Sở GD-ĐT Bắc Ninh quyết tâm thực hiện vững chắc việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phấn đấu nâng số trường chuẩn quốc gia. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo đạt 60 - 80% đến năm 2020. Ông Nguyễn Đức Bưởi – Giám đốc Sở cho hay, trong giai đoạn tới để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục tỉnh từng bước thực hiện 12 chương trình đề án, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông, dạy ngoại ngữ theo chuẩn B2 và theo tham chiếu châu Âu. Bên cạnh đó, ông Bưởi đề nghị, Chính phủ và Bộ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, sớm ban hành tiêu chuẩn cơ cấu trường chất lượng cao, cơ chế tuyển chọn giáo viên và quan trọng phải tăng ngân sách.

Đại diện cho cơ sở GD đại học, GS. Trần Đắc Sử- Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT Hà Nội nêu ý kiến, thực hiện được chiến lược phải thực hiện 5 giải pháp mà theo ông là điều kiện cần và đủ. Theo đó, đổi mới quản lí, đổi mới đội ngũ nhà giáo, đổi mới nội dung, phương pháp kiểm tra đánh giá, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế. Theo ông Sử, Nhà nước cần có chính sách đối với nhà giáo hơn nữa để thực hiện chiến lược, giúp đời sống giáo viên đủ hơn, từ đó yên tâm công tác trong trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đào tạo nhà giáo, thu hút những giáo viên có năng lực vào trường đại học. Bộ GD-ĐT cần tăng cường đầu từ CSVC, mở rộng diện tích theo chuẩn quốc tế. 

Phần lớn địa phương kiến nghị Bộ sớm quan tâm đến đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng với chương trình đào tạo mới. Bộ GD-ĐT cần có bộ tiêu chí khách quan, minh bạch để phân cấp kinh phí cho các trường để phát triển giáo dục. Các trường sẽ tự chủ tự xử lý kinh phí này cho phù hợp, dưới sự giám sát của Bộ. Ngoài ra, một số ngành nghề như bác sĩ Thú y và cử nhân Thú y khi ra trường không được công nhận danh hiệu bằng cấp để làm việc. Vì vậy, Bộ cần bổ sung để tạo sự công bằng trong bằng cấp.

Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến của Sở GD-ĐT Hải Phòng, Sở GD-ĐT Nam Định khi cùng cho rằng, phải thống nhất về quản lý giáo dục nghề nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực cho quốc gia và địa phương, hướng tới người học là tâm điểm của chiến lược. Vì vậy, cần có đầu tư của nhà nước và trường đào tạo sư phạm phải là nhân tố đi trước. Thêm nữa, trường chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng SV khi ra trường nhưng lại không được tự chủ, vẫn phải chịu sự quản lý tài chính, sự điều động của nhà nước thì sẽ khó thực hiện được. 

Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong GD đó là con người, đặc biệt là đội ngũ GV, cho nên rất cần có chính sách, có cơ cấu GV vùng miền, có cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá vấn đề đạt chuẩn của GV, đồng thời thống nhất trong quản lý phân cấp các quận, huyện đều có TT GDTX và dạy nghề, gây lãng phí. Vùng Tây Nam Bộ cần tăng số lượng cơ sở đào tạo để tăng số lượng SV, do các tỉnh còn thiếu nguồn nhân lực. Chất lượng GV thấp, tỉ lệ GV không đạt chuẩn cao, giải quyết bất cập chính sách GD, đầu tư cho GD còn dàn trải, tăng chất lượng đầu vào của SV sư phạm, thu hút SV giỏi vào ngành sư phạm… cũng là ý kiến các đại biểu tại các điểm hội nghị trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ:Trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây Chính phủ đã tập trung đổi mới phát triển đất nước và nguồn nhân lực thông qua nhiều chiến lược quan trọng, đã góp phần đổi mới nhận thức yêu cầu phát triển nhân lực. Các Bộ, ngành, địa phương đều có nhu cầu và có qui hoạch phát triển nguồn nhân lực và triển khai chiến lược 10 năm, kế hoạch phát triển 5 năm. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội Nghị. (Ảnh: Minh Hằng )
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội Nghị. (Ảnh: Minh Hằng )

Ngành GD-ĐT cần huy động các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt đẩy mạnh công tác XHH GD, Ngành GD có vai trò quan trọng giúp các ngành, các địa phương nâng cao chất lượng GD-ĐT; thực hiện Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ.

Khi hoàn thiện và triển khai Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” cần lấy ý kiến rộng rãi, coi đây là cơ hội vàng cho ngành phát triển…

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh:Để thực hiện Chiến lược và các đề án cần có nguồn lực tài chính. Đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu và kết luận của TW để phân bổ ngân sách giáo dục và cập nhật tinh thần này để triển khai. 

Việc luân chuyển GV trên thực tế  triển khai rất khó khăn do điều kiện khách quan. GV chưa đạt chuẩn là bài toán mà ngành GD phải xử lý, giải quyết từng bước. Vấn đề qui hoạch mạng lưới các trường CĐ, ĐH Bộ GD-ĐT đã  làm xong dự thảo. Hệ thống các trường phổ thông và MN cần tính toán và rà soát lại, ưu tiên đầu tư CSVC cho phổ cập MN 5 tuổi, vùng GD dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng khó khăn.

Đề nghị các Sở GD-ĐT, các địa phương khi triển khai Chiến lược phát triển GD và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW có tổ chức sinh hoạt rộng rãi trong nội bộ ngành, tổ chức quần chúng để hiến kế nâng cao chất lượng GD, hạn chế tiêu cực, chủ động tham mưu cho các cơ quan chủ quản địa phương và bộ ngành quản lý. Các bộ, ngành phối hợp giúp đỡ Bộ GD-ĐT tăng cường nguồn lực phát triển GD...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội Nghị. (Ảnh: Minh Hằng)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội Nghị. (Ảnh: Minh Hằng)

9 chương trình hành động của ngành GD-ĐT triển khai chiến lược giai đoạn 2011 - 2020 và Kết luận số 51- KL/TW:

1. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào tháng 7/2013.

2. Thực hiện phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

3. Khắc phục cơ bản trong dạy thêm, thi cử, lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích; tiêu cực trong đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên kết với nước ngoài.

4. Hoàn thiện qui hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đối với các trường ĐH, CĐ mới, đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo qui định của pháp luật. Đánh giá và có giải pháp phù hợp để triển khai bảo đảm hiệu quả, khách quan việc xây dựng các trường ĐH trọng điểm, trường ĐH đạt trình độ khu vực và quốc tế.

5. Triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GD tiểu học và THCS; tăng cường phân luồng HS sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn.

6. Tăng cường dạy và học ngoại ngữ, tin học trong hệ thống GD quốc dân.

7. Đổi mới chương trình và SGK GD phổ thông sau năm 2015.

8. Giải quyết tình trạng trường học xuống cấp và tạm bợ ở vùng sâu, vùng xa.

9. Tiếp tục hoàn thiện, cải tiến chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Thực hiện luân chuyển GV để giải quyết chính sách đối với GV ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ