Kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ:

Tri ân những mất mát, hy sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương, trường học đã có nhiều hoạt động để lan tỏa lòng biết ơn đến gia đình có công.

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Thủy lợi tổ chức thăm và tặng quà gia đình có công ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Lan tỏa lòng biết ơn

Anh Nguyễn Xuân Dũng (Can Lộc, Hà Tĩnh) từ bé được cha kể cho câu chuyện lúc ông tham gia chiến trường. Khi đi học, ngoài sự tự hào là con trai người lính cụ Hồ, anh còn được nhận những chế độ đãi ngộ dành cho con thương binh như miễn học phí, cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học…

Anh Dũng kể thêm: “Đến trường, tôi được thầy cô quan tâm, động viên. Các dịp lễ, Tết, nhà trường luôn dành một phần quà nhỏ gửi đến cho gia đình như một lời tri ân. Vào đại học, ngoài quy định của Nhà nước đối với con thương binh, tôi được nhà trường ưu ái chỗ ở ký túc xá hay các phần học bổng khuyến khích dành cho gia đình có công. Từ những giá trị đó, bản thân tự nhắc mình phải nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành người có ích”.

Tri ân cũng như tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ, người có công, thương binh, bệnh binh, nhiều năm qua, Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) đã quan tâm và có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh của trường. Hằng năm, nhà trường tổ chức thăm hỏi gia đình, cán bộ, nhân viên, giáo viên có tứ thân phụ mẫu là thương binh, liệt sĩ. Riêng với học sinh con thương binh, liệt sĩ sẽ tổ chức mời các em và phụ huynh đến trường gặp mặt, tặng quà và động viên.

Cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm chia sẻ: “Nhà trường có 12 giáo viên và 2 học sinh diện con thương binh, liệt sĩ. Năm nào cũng vậy, chúng tôi tổ chức hoạt động tri ân để giáo dục cho thầy và trò về tinh thần uống nước nhớ nguồn; tưởng nhớ những người đã hy sinh cho hòa bình, độc lập hôm nay. Đồng thời, nhà trường muốn lan tỏa thông điệp trân trọng quá khứ”.

Cùng với các chuỗi hoạt động ý nghĩa này, Trường THCS Ngọc Lâm còn tổ chức cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên đến quét dọn, dâng hương Đài tượng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).

Trường ĐH Thủy lợi, vào tháng 7 hàng năm tổ chức gặp mặt cán bộ, viên chức và người lao động là thương binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ nhằm tri ân đồng thời chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Với gia đình gặp khó khăn, nhà trường tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ.

ThS Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi cho biết, sinh viên đang học tập tại trường là con em thương bệnh binh hoặc có bố/mẹ nhiễm chất độc hóa học..., nhà trường thực hiện chính sách miễn giảm học phí.

Trường còn có nhiều học bổng khuyến khích nếu sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập, ưu tiên đăng ký ở ký túc xá… Mỗi năm, trong dịp lễ, Tết, nhà trường tặng quà để động viên tinh thần các em phấn đấu học tập; lưu ý các thầy cô, đoàn thanh niên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để những sinh viên này học tập và rèn luyện.

tri an nhung mat mat hy sinh (2).jpg
Cô Ngô Hồng Giang (hàng thứ hai, đứng thứ tư từ phải sang) cùng giáo viên Trường THCS Ngọc Lâm thăm hỏi, động viên gia đình có công. Ảnh: NVCC

Tạo động lực phát triển

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần đối với con của người có công với cách mạng. Cùng với việc bảo đảm các chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công cũng được ban hành và thực hiện.

Ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Sapa (Lào Cai) cho biết: “Ngành Giáo dục thị xã Sapa luôn ưu tiên, quan tâm thực hiện các chế độ chính sách dành cho học sinh là con em gia đình người có công với cách mạng để phần nào đó hỗ trợ về đời sống vật chất, tinh thần đối với con em họ.

Từ đó, bản thân các em và gia đình cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo, tri ân và biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng; là động lực để các em cố gắng, phát huy ưu điểm, đạt thành tích cao trong học tập. Đối với những gia đình hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi tổ chức giúp đỡ nhằm cải thiện một phần cuộc sống”.

Theo đó, ngoài việc đảm bảo chính sách, chế độ theo quy định, ngành Giáo dục thị xã Sapa thường xuyên tuyên truyền đến tất cả học sinh trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động chung của nhà trường về lòng biết ơn, trân trọng quá khứ, hướng về cội nguồn với những giá trị cao đẹp; tinh thần sẵn sàng cống hiến, tạo động lực để thế hệ học sinh hôm nay được kế thừa và phát triển tư tưởng, truyền thống tốt đẹp; không ngừng học tập, sáng tạo, cống hiến để xây dựng đất nước phát triển hơn nữa.

Chăm lo đời sống, học tập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là con em các gia đình cũng được ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn chú trọng, nhằm tạo động lực để họ phấn đấu, yên tâm công tác, học tập.

Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho hay: “Ngoài quy định của Nhà nước, ngành Giáo dục Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến những học sinh là con thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, chất độc màu da cam, người có công với cách mạng. Hằng năm, các khoản như sách vở, quần áo đồng phục, đóng góp xã hội hóa trong học tập…, các em được miễn giảm.

Trong tháng 7, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động tri ân, thăm hỏi và chỉ đạo các nhà trường quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, gia đình để kịp thời hỗ trợ. Cùng đó, dịp lễ, Tết, các đơn vị đều quan tâm đến đời sống, thăm hỏi động viên từ đó giáo dục cho học sinh về truyền thống uống nước nhớ nguồn”.

Trường ĐH Thủy lợi đặc biệt quan tâm đến những sinh viên diện con em người có công để tiếp thêm động lực trong cuộc sống, học tập; góp phần bù đắp, sẻ chia phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra. Đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của nhà trường muốn gửi lời cảm ơn, tri ân đến gia đình các em. - ThS Đặng Hương Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ