Tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong ngành Giáo dục Quảng Ninh

GD&TĐ - Sáng nay 20/7 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ngành GD&ĐT đã long trọng tổ chức Chương trình gặp mặt, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục là thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ

Các đồng chí lãnh đạo trao bằng khen cho các cán bộ, viên chức, thầy cô giáo
Các đồng chí lãnh đạo trao bằng khen cho các cán bộ, viên chức, thầy cô giáo

Tham dự buổi lễ có Đ/c Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đ/c Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Đại diện Bộ GD&ĐT có Đ/c Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo & QLCBGD; Đ/c Bùi Văn Linh, phụ trách Vụ GD chính trị & CTHSSV; Cùng 200 cán bộ, viên chức, giáo viên đại diện cho toàn ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Tiết mục văn nghệ chào mừng của Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả
Tiết mục văn nghệ chào mừng của Phòng GD&ĐT TP Cẩm Phả 

Tô thắm truyền thống cho đất Mỏ Anh hùng

Toàn ngành GD Quảng Ninh có 1.091 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, trong đó: 10 người là thương binh, 3 người là bệnh binh, 3 người là con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3 người là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng, 79 người là con của liệt sĩ, 829 người là con của thương binh, bệnh binh, 116 người là con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 18 người là con của người hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945, 21 người là con của người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt hoặc tù đày.

Ngoài ra còn có gần 2 nghìn người có cha mẹ tham gia hoạt động giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc có công giúp đỡ cách mạng. Những con số trên vừa tự hào, vừa thể hiện sự anh dũng hy sinh của những người đã quên mình cho Tổ quốc nhưng cũng là sự mất mát to lớn để dành, giữ, bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc, để mỗi người chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc.

Các Nhà giáo - Chiến sĩ, dù ở bất cứ cương vị công tác nào vẫn luôn giữ vững và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ. Nhiều người đã vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, với di chứng của chiến tranh để góp công sức của mình vào sự phát triển giáo dục. Tiêu biểu là tấm gương của thầy Phạm Văn Hán, trở về từ miền Nam với một cánh tay để lại chiến trường Tây Nguyên và mang trên mình nhiều vết thương khác, Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT.  Giờ đây khi đã nghỉ hưu, Thầy tiếp tục có nhiều đóng góp cho Ngành, cho địa phương, cả 2 con của Thầy hiện đang là giáo viên công tác trong Ngành.

Không chỉ có những Nhà giáo là thương binh, bệnh binh, còn hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình có công với cách mạng đã phát huy truyền thống của gia đình, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiêu biểu là các đồng chí có người cha đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường, người mẹ nén đau thương, tảo tần thay cha chăm sóc, nuôi dạy các đồng chí trở thành những cán bộ quản lý giỏi, những nhà giáo có uy tín trong Ngành .

Nhân lên những giá trị tuyền thống cao đẹp

Giám đốc Vũ Liên Oanh hết sức xúc động cho biết: Khi lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong Ngành là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, gia đình thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, thấy bất ngờ vì số lượng nhiều, thấy thương yêu và cảm thông với mọi người, trong sâu thẳm lòng mình còn nhiều trăn trở, mong muốn được đền đáp, tri ân, chia sẻ những khó khăn, mất mát mà các thầy, các cô và gia đình đã phải trải qua.

Có nhiều đồng chí, đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi là thương binh, bệnh binh, đau đớn khi trái gió trở trời nhưng không một lời than vãn, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; nhiều người là con liệt sĩ, con thương binh nhưng không một lần đòi hỏi, âm thầm vượt qua khó khăn, tự lực phấn đấu vươn lên bằng năng lực của mình để xứng đáng với người cha đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi tiền tuyến.

Thay mặt ngành Giáo dục, Giám đốc Vũ Liên Oanh đã gửi tới gia đình các thương bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng lời tri ân sâu sắc nhất: Dẫu biết rằng những nỗi đau, những mất mát của các đồng chí và gia đình là cao cả và thiêng liêng, không có gì có thể bù đắp được nhưng cho phép chúng tôi thành tâm chia sẻ và xin được cảm ơn các đồng chí và gia đình, xin trân trọng ghi nhận những cống hiến của các đồng chí cho ngành GD.

 Xin cảm ơn những người vợ của các đồng chí trong Ngành là thương binh, bệnh binh, các chị đã thay chúng tôi chăm sóc các anh; xin cảm ơn những người mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ là vợ của liệt sĩ, vợ của thương binh, bệnh binh đã sinh ra, thay người cha nuôi nấng, dạy dỗ để cho chúng tôi có được những cán bộ, giáo viên, nhân viên ưu tú, xuất sắc. Xin anh linh các liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã mất hãy yên lòng, chúng tôi sẽ luôn ở bên để động viên, chia sẻ, giúp đỡ và yêu thương những người con mà các bác, các chú, các anh gửi lại cho chúng tôi. Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.