Treo thưởng dưới góc nhìn khoa học, giáo dục

GD&TĐ - Không ít phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh “treo” phần thưởng, thưởng “nóng” cho học sinh (HS) khi đạt thành tích học tập tốt, có tiến bộ… bằng tiền mặt giá trị lớn.

Giáo dục hiện đại không khuyến khích trừng phạt, trách cứ mà chỉ động viên khen thưởng HSGV và HS. Trong ảnh: Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Ảnh minh họa: Đức Trí
Giáo dục hiện đại không khuyến khích trừng phạt, trách cứ mà chỉ động viên khen thưởng HSGV và HS. Trong ảnh: Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Ảnh minh họa: Đức Trí

Hình thức khuyến khích này có phù hợp và mang lại động cơ học tập tốt cho HS? Điều này đòi hỏi cha mẹ, thầy cô có cách nhìn khoa học, thấu đáo để khuyến học phát huy hiệu quả.  

Khuyến học sao cho phù hợp

Cô Nguyễn Hồng Hải – Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ về cách khuyến khích học tập ở trường mình: Mỗi tháng trường sơ kết và chọn ra 4 HS/lớp đạt theo 4 tiêu chí để thưởng (HS có nhiều điểm tốt;  thực hiện tốt nội quy; có tiến bộ; gương mẫu và ảnh hưởng tốt với bạn bè). Phần thưởng là 50.000 đồng/HS và được trích từ quỹ ban đại diện cha mẹ HS. Ngoài ra vào cuối kỳ, nhà trường cũng có phần thưởng HS giỏi, HS tiên tiến và HS đạt được những tiêu chí riêng mà trường đặt ra.

Động viên kịp thời và giá trị phù hợp đã giúp HS thấy được giá trị của sự nỗ lực phấn đấu trong học tập. Mặt khác, các em biết trân trọng, tự hào với phần thưởng mình được nhận.

Tuy nhiên, trong thực tế không ít bố mẹ lại chọn cách “treo” thưởng cho con nếu đạt điểm cao kiểm tra miệng, bài kiểm tra 15, 30, 45 phút, bài thi giữa kỳ, cuối kỳ... bằng số tiền lớn. Thậm chí, có ban phụ huynh sẵn sàng trích quỹ lớp thưởng “nóng” cho HS có thành tích tốt trong tháng, cuối kỳ… bằng tiền mặt với giá trị 100.000 - 200.000 đồng/HS.

Thế nhưng, khi HS bị điểm kém, chưa tiến bộ trong học tập vì lý do nào đó lại không nhận được sự chia sẻ, động viên kịp thời. Cách khuyến khích học tập bằng giá trị vật chất lớn nhưng thiếu sự quan tâm, đồng hành chia sẻ, không giáo dục ý nghĩa qua phần thưởng sẽ dẫn tới nhiều bất cập mà phụ huynh không biết và không thể lường hết.

GV Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội).
GV Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội).

Tạo động cơ học tập bền vững

Theo GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, giáo dục hiện đại không khuyến khích trừng phạt, trách cứ mà chỉ động viên khen thưởng HS. Việc khuyến khích HS học tập bằng những phần thưởng là phù hợp. Tuy nhiên, thưởng cái gì, bao nhiêu, theo cách nào lại là vấn đề cha mẹ, thầy cô cần hiểu biết, áp dụng khoa học, phù hợp.

GS Đinh Quang Báo cho rằng: Không “thuê” con học bằng giá trị vật chất lớn, không đưa tiền trước khi học, thi... Khi con có thành tích nhất định có thể thưởng bằng vật chất nhưng không quá nhiều hoặc chuyển đổi theo hình thức phù hợp. Với HS tiểu học, THCS, bố mẹ tặng lời khen động viên cũng khiến các em phấn khởi và nỗ lực hơn. Không nên quá lạm dụng thưởng vật chất. Bởi “nếu trẻ lười học, cha mẹ hứa và thưởng bằng vật chất lớn chẳng khác nào một hình thức thuê con học. Điều đó không tạo ra động cơ học tập trong sáng, trẻ học vì phần thưởng vật chất, vì có tiền thay vì đam mê, hứng thú và chủ động…”, GS Đinh Quang Báo nhận định.

Tìm ra phương pháp khuyến khích trẻ học tập đúng cách đòi hỏi cha mẹ tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng phù hợp. “Với con tôi, phần thưởng cho học tốt, phấn đấu nỗ lực… không bằng tiền trực tiếp. Gia đình thưởng cho con đi chơi công viên dịp cuối tuần; mua vé xem hoạt động thể thao bóng chuyền, bóng rổ, vé tập thể thao định kỳ... Thưởng như vậy phát huy được giá trị phần thưởng và đạt mục đích giáo dục” – GS Đinh Quang Báo chia sẻ.

GS Đinh Quang Báo cũng cho rằng: Với những HS chưa chăm học, GV có thể khen, hoặc với HS có khả năng nhưng chưa chăm hãy tạo cho HS vị thế đặc biệt trong lớp thông qua hình thức mời chia sẻ, báo cáo kinh nghiệm trước lớp cùng thầy cô, bạn bè. Điều đó khiến các em thấy được sự tôn trọng, ghi nhận và hứng thú hơn với việc học. Thưởng, khen cần tạo cho HS động cơ học trong sáng, giúp trẻ đam mê học thay vì phải học vì thưởng, vì có tiền.

Trong trường hợp phụ huynh thưởng cho con bằng tiền nên có giá trị vừa phải và quan trọng phải hướng dẫn con cách dùng khoản tiền thưởng đó đúng mục đích, ý nghĩa. Dạy con biết cách tiếp quản, quản lý tiền hiệu quả. Thưởng tiền phải gắn liền với dạy cách tiêu tiền. Tiêu bao nhiêu? Vào việc gì? Định hướng cách tiêu phù hợp…

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Hồng Hải – GV Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Học sinh THPT nếu thưởng bằng vở, sách bút… các con chưa chắc đã thích. Có thể thưởng bằng khoản tiền nhỏ (50.000 đồng) để tự mua sắm, quản lý khoản tiền đó.

Tuy vậy, “thưởng cho nỗ lực, thành tích học tập của HS không nên có giá trị quá lớn và mang tính động viên là chính. Với HS, giá trị thưởng là một phần, hơn thế các em cần sự ghi nhận của bố mẹ, thầy cô để từ đó cố gắng vì danh dự bản thân. Thưởng với giá trị phù hợp cũng là cách tạo động lực học tập tốt, giáo dục HS biết quý trọng đồng tiền từ thành quả cá nhân. Cha mẹ hãy giáo dục HS cách tiêu tiền từ phần thưởng. Sau khi thưởng hãy hỏi HS làm gì với số tiền thưởng; gợi ý con mua sách vở, đồ dùng học tập, sách truyện hoặc dùng tiền thưởng để ủng hộ người nghèo…” - cô Nguyễn Hồng Hải phân tích.

Quan điểm trước vấn đề dùng quỹ lớp và thưởng số tiền lớn (100.000 – 200.000 đồng) cho HS trong lớp có thành tích theo tháng, cô Hải bày tỏ: Thưởng bằng số tiền lớn và dễ dàng HS sẽ có ý nghĩ gia đình có điều kiện, được bao bọc và không tôn trọng đồng tiền. Mặt khác, trong lớp có nhiều hoàn cảnh khác nhau nếu lấy quá nhiều từ tiền quỹ lớp để thưởng sẽ tạo ra sự không công bằng với HS khác. Khen thưởng phải cân nhắc hợp lý, có phân tích và dự trù việc khen thưởng.

Thưởng giúp trẻ có động lực học tập, suy nghĩ đúng về đồng tiền… phụ thuộc vào cha mẹ, thầy cô. Khuyến khích học tập bằng phần thưởng có giá trị lớn chưa chắc đã tạo ra HS giỏi, thành tích bền vững. Cần tạo ra động lực khi khen thưởng thay vì hết thưởng là hết động lực học tập. - Cô Nguyễn Hồng Hải 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ