Trẻ vừa nghỉ hè, phụ huynh lên mạng 'gom lớp'

GD&TĐ - Dù mới bế giảng năm học 2023 - 2024 nhưng nhiều phụ huynh đã đôn đáo tìm lớp học thêm hè cho con.

Học sinh tiểu học TP Huế (Thừa Thiên Huế) hào hứng với hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế. Ảnh: Mai Lan
Học sinh tiểu học TP Huế (Thừa Thiên Huế) hào hứng với hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế. Ảnh: Mai Lan

Đôn đáo tìm lớp

Cách đây mấy ngày, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ở phường Lam Sơn (TP Hưng Yên, Hưng Yên) đăng ký thành công cho con gái học tiền lớp 1, dự kiến khai giảng vào giữa tháng 6, mỗi tuần học 2 buổi. Ngoài ra, chị còn cho con học thêm tại 1 trung tâm tiếng Anh và học múa, vẽ, đàn. “Để tìm lớp cho con, vợ chồng tôi cũng tìm hiểu, tham khảo trên các diễn đàn xã hội. Chúng tôi muốn con có một số kỹ năng trước khi vào lớp 1 để không “tụt hậu” lúc học chính thức”, chị Bích Ngọc chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Trang ở tổ 11, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đăng bài trên hội nhóm phụ huynh về việc “gom lớp” học tiếng Anh trong hè cho con trai chuẩn bị lên lớp 6. Trong 2 ngày, số lượng phụ huynh đăng ký lên tới gần 30 học sinh, đủ để giáo viên thành lập 3 lớp (10 học sinh/lớp). Trong số các bình luận dưới bài viết, nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, 7, 8, 9 cũng đặt vấn đề “gom lớp” để phụ đạo hè.

Nhận định, mức độ khốc liệt của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuấn ở khu đô thị Times City (Hà Nội) xác định, năm nay con gái sẽ không nghỉ hè, dành thời gian cho học tập. Anh chị đã đăng ký học thêm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho con. Mỗi tuần học 2 buổi/môn, thời gian 2 tiếng/buổi. “Với học sinh lớp 8, chuẩn bị lên lớp 9, thời gian nghỉ hè là dịp để lấp lỗ hổng kiến thức, giúp con tự tin bước vào năm học mới, đặc biệt vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”, anh Tuấn quan niệm.

Theo cô Phạm Thị Nhung - Trường Tiểu học Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên), sau 1 năm học tập vất vả, kỳ nghỉ hè là thời gian để học sinh nghỉ ngơi, thư giãn. Thay vì đôn đáo tìm lớp học thêm, phụ huynh có thể cho con tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng sống, rèn luyện thể chất.

“Trường hợp vẫn quyết định cho con đi học thêm vào kỳ nghỉ hè, phụ huynh cần có kế hoạch phù hợp, tránh áp lực và quá sức với trẻ”, cô Nhung tư vấn và khuyến cáo, việc học trong thời gian này nên theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”, chỉ nên ôn tập lại kiến thức cũ. Vì thế, phụ huynh có thể cùng trẻ ôn tập ở nhà không nhất thiết phải đến lớp, hoặc trung tâm để học thêm.

Một hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC

“Học mà chơi, chơi mà học”

Nghỉ hè là thời điểm giúp học sinh tái tạo năng lượng tích cực, để tự tin bước vào năm học mới, ThS Lê Tuấn Tứ - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Khánh Hòa) nhấn mạnh. 9 tháng miệt mài đèn sách, các em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, lo lắng, áp lực… Vì thế, nếu tiếp tục phải học với thời khóa biểu dày đặc trong kỳ nghỉ hè thì dễ gây mệt mỏi, chán nản; thậm chí là sợ học. Do vậy, dịp này, các em cần được nghỉ ngơi, vui chơi để giải tỏa những lo lắng, mệt mỏi sau 9 tháng “chong đèn” học tập.

ThS Lê Tuấn Tứ cho hay, các nước có nền giáo dục phát triển đặc biệt quan tâm đến hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Thiết nghĩ, chúng ta cần có thêm chương trình như vậy để bổ sung kỹ năng cho các em. Việc ép trẻ học thêm trong kỳ nghỉ hè không cần thiết. Thay vào đó, phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ tham gia những khóa học bổ ích như thể thao để rèn luyện sức khỏe hoặc việc học những kỹ năng sống như bơi lội, nấu ăn…

Hiện, nhiều phụ huynh cho con học trước chương trình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu thực tế và cảnh báo, việc này có thể gây ra hệ quả không mong muốn, nhất với trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Các em có thể sợ học bài và ngại học bài. Còn với học sinh trung học, việc học liên tục, quá tải có thể bị stress, căng thẳng, rối loạn, lo âu hoặc gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Từ thực tế, TS Lê Minh Công – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bất cứ thời điểm nào, công tác tâm lý trường học cần được quan tâm mạnh mẽ và đúng mức. Mục tiêu của tâm lý trường học là giúp học sinh khỏe mạnh, hạnh phúc và thăng tiến mỗi ngày.

Vì thế, xây dựng chính sách, hoạt động dịch vụ tâm lý học đường phải là công việc của toàn trường, từ lãnh đạo cho đến giáo viên, phụ huynh và các thành viên khác. Cùng với đó, người đề xuất kế hoạch, chiến lược phải là nhà tâm lý trường học được đào tạo chuyên nghiệp, đủ năng lực.

Ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, các vấn đề sức khỏe tâm thần thường chia thành hai nhóm: Các rối loạn hướng nội (nội hóa) và rối loạn hướng ngoại (ngoại hóa). Rối loạn hướng nội được biểu hiện như: Rút lui, thu mình, trầm cảm hay lo âu. Các rối loạn này thường đối lập với rối loạn ngoại như gây hấn, bốc đồng cưỡng chế, không tuân thủ, kém thích ứng…

“Các rối loạn nội hóa thường khu trú vào tình trạng bệnh lý liên quan đến nhau bao gồm rối loạn trầm cảm, lo âu hoảng sợ, lo âu lan tỏa, ảnh hưởng cưỡng chế, ám ảnh sợ xã hội, ám ảnh sợ đặc hiệu, stress hậu sang chấn…”, TS Lê Minh Công cho hay và mong muốn, từ những phân tích này, phụ huynh sẽ tự trả lời câu hỏi: Có nên “nhồi nhét” trẻ học trong dịp hè hay không? Đồng thời, có kế hoạch hợp lý cho trẻ trong học tập, vui chơi, giải trí; tránh những hệ quả đáng tiếc.

Nhiều phụ huynh quên rằng, ngoài kiến thức sách vở, điều quan trọng mà trẻ cần là kỹ năng sống và kiến thức thực tế. Vì vậy, thay vì đi học thêm hè, gò bó các em trên trang sách, phụ huynh hãy cho trẻ cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ