(GD&TĐ) - Hiện tại ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ. Theo số liệu thống kê mới nhất tại Hội thảo về chăm sóc trẻ tự kỷ trong tháng 3 vừa qua tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy năm 2007 số lượng trẻ tự kỷ đến khám tăng gấp 50 lần so với năm 2000. Số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000. Những con số này cho thấy số lượng trẻ mắc/ được phát hiện tự kỷ đang gia tăng rất nhanh, trong khi đó công tác phát hiện, chẩn đoán, can thiệp và đánh giá trẻ tự kỷ vẫn còn ở trong giai đoạn khởi phát”.
Các chuyên gia nghiên cứu và các bác sĩ điều trị đều thống nhất quan điểm: Đối với trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm (trước 24 tháng tuổi) và can thiệp phù hợp thì sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các bác sỹ Nhi khoa và những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ (như cha mẹ, người thân, thầy cô giáo…) không hiểu rõ về tự kỷ, không có kỹ năng chẩn đoán sớm.
Tự kỷ là một dạng rối nhiễu rất phức tạp, để chẩn đoán, đánh giá và xây dựng, thực hiện được chương trình can thiệp phù hợp đối với mỗi trẻ tự kỷ đòi hỏi sự chung tay của cả bác sỹ nhi, nhà tâm lý, nhà giáo dục, trong khi đó thực tế chưa có sự phối hợp cần thiết này. Hiện tại đã có một số trường và trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ. Tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng được số lượng nhỏ nhu cầu của các gia đình có trẻ tự kỷ ở các thành phố lớn, và chủ yếu tập trung vào chăm sóc. Chưa cơ quan chức năng nào đứng ra đảm nhận việc chẩn đoán, xác định tự kỷ. Các công cụ giúp chẩn đoán xác định tự kỷ cũng chưa được chuẩn hóa và phổ cập.
Can thiệp sớm cải thiện hiệu quả giáo dục
Nếu như trước đây hình thức chăm sóc chủ yếu của trẻ tự kỷ ở Việt Nam chủ yếu trên phương diện y tế thì những năm trở lại đây hình thức giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ được quan tâm hơn. Ngay tại Hà Nội một số trung tâm chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật trong đó có trẻ tự kỷ được thành lập. Tuy nhiên nếu nhìn nhận về thực trạng số trẻ bị tự kỷ hiện nay thì mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Những hình thức tổ chức mà cộng đồng cùng chung tay vì trẻ tự kỷ như CLB gia đình trẻ tự kỷ tại Trung tâm đào tạo và phát triển Giáo dục đặc biệt (ĐHSP Hà Nội) hay Hội cha mẹ trẻ tự kỷ Thành phố Hà Nội đã mang đến những lợi ích thiết thực trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Từ chỗ nhiều bậc phụ huynh không biết phải làm gì với căn bệnh mà con mình mắc phải họ đã biết cùng nhau chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Hiện nay trẻ tự kỷ đã được hòa nhập tại các trường tiểu học |
Chị Ngọc Hà ở Quan Nhân (Hà Nội) chia sẻ: Khi con được hơn một tuổi chị lờ mờ nhận thấy những biểu hiện không bình thường so với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên vì cách đây hơn chục năm chị không biết con mắc chứng bệnh gì, nhìn con có những hành động kỳ quặc, la hét hàng ngày mà chị buồn và thất vọng. May thay hai năm sau khi được người quen giới thiệu và tới trung tâm trẻ tự kỷ khám, chị đã được các bác sĩ và giáo viên tư vấn về căn bệnh của con. Từ đó đến nay cùng với sự tư vấn, điều trị ở trung tâm và học hỏi những kiến thức qua sách báo, kiên trì đồng hành cùng con, con trai chị đã có thể theo học hòa nhập tại trường tiểu học. Tuy nhiên theo chị, nếu cha mẹ phát hiện con sớm hơn thì kết quả chữa trị sẽ khả quan và rút ngắn được thời gian hòa nhập.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị và can thiệp dành cho trẻ tự kỷ, trong đó can thiệp giáo dục được coi là hướng can thiệp hiệu quả nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Điều quan trong trong giáo dục trẻ tự kỷ đó là sự kiên trì kết hợp với lòng yêu thương tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn.
Giáo dục hòa nhập bằng tình yêu thương
Tại Hà Nội, nhiều trường đã có chủ trương nhận HS tự kỷ vào giáo dục hòa nhập.Thực tế cho thấy đối với trẻ sau thời gian chữa trị kết hợp giữa y tế và các biện pháp giáo dục có những tiến triển tốt thì khả năng hòa nhập là rất cao.
Cô Trần Thị Thủy chủ nhiệm lớp 2C Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) là giáo viên có nhiều năm dạy trẻ tự kỷ chia sẻ: Việc dạy trẻ tự kỷ trong môi trường hòa nhập gặp rất nhiều khó khăn đòi hỏi giáo viên không chỉ vững chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mà phải thực sự biết thương yêu HS đó như con em mình. Theo cô, đối tượng trẻ bị tự kỷ rất đa dạng. Có cháu tăng động chỉ tập trung chú ý được trong một khoảng thời gian ngắn vì vậy GV cần tận dụng thời gian ít ỏi đó để hướng dẫn các em tập trung vào bài học. Mặt khác để đòi hỏi trẻ tự kỷ phải tuân thủ theo nội dung chương trình mà Bộ GD&ĐT đặt ra đối với những HS bình thường khác là không thể. Có cháu cả ngày mới viết được một bài ngắn mà đối với HS bình thường khác chỉ mất khoảng 15 - 20 phút. Để học sinh tự kỷ tập trung vào giờ học các cô phải đổ rất nhiều công sức dỗ dành và có khi phải dùng tới cả biện pháp kỷ luật. Với đối tượng này cô giáo phải linh hoạt trong các biện pháp giáo dục. Có những em ở nhà do được cha mẹ quá nuông chiều nên khi tới lớp thường làm theo ý mình nếu không được thì la hét quậy phá thậm chí đánh lại cả cô giáo. Nếu giáo viên không chuẩn bị tâm lý thì sẽ nản và khó lòng giúp em hòa nhập được với môi trường học tập. Và để hoàn thành được nhiệm vụ chung thì trên lớp cô giáo còn có nhiệm vụ giáo dục những HS cùng lớp biết chia sẻ với bạn và cùng cô giúp bạn bước ra khỏi vỏ bọc của chính mình. Năm nào lớp cô cũng có HS tự kỷ và đa phần cô đều thành công trong việc đưa các em hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên theo cô đối với những trẻ bị tự kỷ ở mức độ nặng thì cần phải có lớp chuyên biệt riêng để dạy dỗ các em.
PGS TS Nguyễn Thị Hoàng Yến Phó viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng phải xây dựng một hệ thống đánh giá và phát triển để lập kế hoạch giáo dục đối với trẻ tự kỷ một cách hoàn chỉnh và thống nhất. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực, phát triển đội ngũ chuyên môn phục vụ cho việc đánh giá trẻ. Đây là một điều hết sức cần thiết. Thực hiện được điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức của cha mẹ và giáo viên về sự phát triển của trẻ tự kỷ, cách phát hiện sớm trẻ tự kỷ và chăm sóc, giáo dục trẻ.
Minh Châu