Trẻ trở lại trường: Dự phòng tốt để tránh dịch Covid-19

GD&TĐ - Để phòng bệnh, cha mẹ cần cho trẻ súc miệng và xịt mũi bằng nước muối thường xuyên. Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả trong dự phòng nhiễm các bệnh đường hô hấp trên.

Trẻ cần đeo khẩu trang đúng cách khi đi học.
Trẻ cần đeo khẩu trang đúng cách khi đi học.

Bố mẹ có thể chuẩn bị pha sẵn các chai nước muối để con mang đi.

Nguy cơ thấp nếu đeo khẩu trang đúng cách

Các địa phương đang có kế hoạch đưa trẻ mầm non và tiểu học tới trường, sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch Covid-19. Trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, các trẻ dưới 12 tuổi hiện chưa được chủng ngừa.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi là 19,2% (trong đó có 4,8% trẻ từ 13 - 17 tuổi; 8% trẻ 6 - 12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3 - 5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0 - 2 tuổi). Tỷ lệ tử vong ở trẻ em là 0,42%.

Mặc dù, tử vong ở trẻ em thấp, nhưng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy, trẻ có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, bao gồm cả tình trạng hậu Covid-19, cũng như di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).

Thậm chí, có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em. Đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp như vậy hiếm nhưng vẫn được ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến chủng Omicron, tình trạng lây nhiễm diễn ra nhiều hơn ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng.

Để phòng Covid-19 khi trẻ đi học, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường thuộc nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0, khuyến cáo: “Không đưa trẻ đến trường nếu phụ huynh hoặc trẻ là F0, F1 đang trong thời gian cách ly tại nhà. Hoặc, trẻ có biểu hiện sốt, ho, khó thở”.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần thường xuyên liên lạc với chủ nhiệm lớp và trưởng hội phụ huynh. Nhờ đó, nắm tình hình dịch bệnh ở trường. Trong trường hợp lớp có trẻ là F0, cha mẹ cần bình tĩnh. Bởi, nếu trẻ đeo khẩu trang đúng nguyên tắc, nguy cơ lây nhiễm là rất thấp.

Ngoài ra, phụ huynh và trẻ cần đeo khẩu trang khi đến trường. Lưu ý hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách như: Kín mũi, miệng, cằm. Khẩu trang sát mặt, thanh nhựa hoặc kim loại ôm sát mũi. Đeo khẩu trang khi giao tiếp với các trẻ khác.

Khi tháo khẩu trang nên nhắm mắt, nín thở, tháo để đúng nơi quy định. Trẻ cũng nên mang khẩu trang dự phòng khi cần thay. Đồng thời, trẻ cần rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Phụ huynh có thể trang bị cho trẻ dung dịch sát khuẩn mang theo khi đến trường.

Dự phòng nhiễm bệnh

Trong tham luận trình bày tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19, TS Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế hướng dẫn, trước khi học sinh học trực tiếp, nhà trường phải chuẩn bị, đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh. Mỗi học sinh có một cốc uống nước, đồ dùng cá nhân riêng. Bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng. Nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.

Cán bộ, giáo viên cần được tập huấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19.

Thông qua sổ liên lạc điện tử hoặc cách thức khác, nhà trường hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh các biện pháp theo dõi, bảo vệ sức khỏe và thực hành biện pháp vệ sinh cá nhân.

Yêu cầu học sinh, cha mẹ theo dõi sức khỏe của trẻ và thông tin ngay cho nhà trường khi học sinh có các biểu hiện sốt, ho, khó thở. Đồng thời, trường cũng cần thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch đã và sẽ tiếp tục thực hiện tại các nhà trường, ký túc xá để học sinh, phụ huynh yên tâm.

“Cho con súc miệng và xịt mũi bằng nước muối thường xuyên. Đây là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất hiệu quả trong dự phòng nhiễm các bệnh đường hô hấp trên.

Bố mẹ có thể chuẩn bị pha sẵn các chai nước muối để con mang đi. Chuẩn bị các lọ xịt họng, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý ngày 5 - 6 lần để làm sạch, làm ẩm niêm mạc mũi”, bác sĩ Mạnh Cường khuyến cáo.

Ngoài ra, cần đảm bảo trẻ có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý. Lưu ý kiểm tra sức khỏe trẻ và các thành viên trong gia đình thường xuyên. Cụ thể, cần đo nhiệt độ cho trẻ ngày 2 lần. Mỗi lần đo, để nhiệt kế trong 5 phút. Đo SpO2 ngày 2 lần cho trẻ.

Phụ huynh có thể đo ngón chân cái, nếu ngón tay không đo được. Theo dõi sức khỏe của trẻ và các thành viên trong gia đình, như: Nhiệt độ, SpO2, đếm tần số thở, tình trạng ăn uống và đi ngoài.

“Nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần chủ động cho trẻ nghỉ học. Báo ngay với nhà trường, đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Các bé trong lớp học cần ngồi đúng khoảng cách, đảm bảo an toàn và học hiệu quả. Tránh để các con chơi đùa mệt quá, dẫn đến tháo khẩu trang”, bác sĩ Cường lưu ý.

Ngoài ra, cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, tránh trường hợp trẻ phải mượn bạn. Trẻ cũng cần bỏ các thói quen xấu như cắn, ngậm bút, đưa tay lên mũi, miệng.

Theo bác sĩ Cường, khi đi học, trẻ cần sát trùng mặt bàn và các dụng cụ học tập. Đồng thời, thay quần áo mỗi ngày khi đi học về. Đặc biệt, gia đình cần nghe theo những hướng dẫn của nhà trường trong phòng và chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.